Những năm qua, xã Mường Bám (Thuận Châu) đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế, từng bước giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.
Người dân bản Nà Hát, xã Mường Bám (Thuận Châu) chăm sóc vườn cây ăn quả.
Mường Bám là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, nhiều bản ở cách xa trung tâm, tỷ lệ hộ nghèo còn 53,76%. Trước thực trạng đó, xã Mường Bám đã xây dựng kế hoạch, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện ở từng bản, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Chỉ đạo đoàn thể xã xuống các bản tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất dốc trồng các loại cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Đồng thời, phát huy lợi thế của địa phương để phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa gắn với trồng cỏ, bảo vệ môi trường... Ngoài hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi từ các chương trình, dự án, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH trên 21 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất. Nhờ vậy, bà con có điều kiện đầu tư thâm canh gần 160 ha lúa ruộng, sản lượng 1.280 tấn/năm; trên 900 ha lúa nương, sản lượng hơn 3.400 tấn/năm; gần 60 ha ngô, sản lượng 400 tấn/năm. Từ năm 2017 đến nay, cùng với sự hỗ trợ cây giống từ Chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã vận động nhân dân các bản: Nà Hát, Nà Cẩu, Bôm Kham, Nà Pa, Nà Tra, Pá Sàng, Pá Ban trồng 144 ha xoài Đài Loan, nhãn ghép... Bên cạnh đó, xã còn khai thác tốt lợi thế, vận động bà con phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, hiện đàn trâu, bò có trên 3.200 con, trồng gần 60 ha cỏ voi VA06 để chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc.
Đến thăm mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Lò Văn Xương bản Nà Hát, một trong những hộ đã thoát nghèo từ phát triển chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Hiện, gia đình anh có 3 con bò, duy trì đàn lợn thịt trên 10 con và hàng trăm con gia cầm, mỗi năm thu nhập trên 50 triệu đồng từ chăn nuôi. Năm 2017, từ nguồn hỗ trợ của chương trình xây dựng nông thôn mới, anh còn trồng hơn 500 gốc cây xoài Đài Loan trên diện tích hơn 1 ha, dự kiến sang năm tới sẽ cho thu hoạch, tăng nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.
Trao đổi với ông Lường Văn Chỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã, được biết: Thời gian tới, cùng với tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; vận động nhân dân mở rộng quy mô các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, phấn đấu giảm nhanh số hộ nghèo.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!