Không cần nhiều vốn đầu tư, năng suất tăng gấp 3 lần, giá bán cao hơn 2-3 lần so với giống nhãn địa phương... là kết quả sau khi thực hiện mô hình ghép cải tạo nhãn chín muộn trên giống nhãn địa phương tại xã Muổi Nọi (Thuận Châu).
Cán bộ khuyến nông xã Muổi Nọi (Thuận Châu) hướng dẫn nông dân bản Đông Hưng chăm sóc cây nhãn ghép.
Chúng tôi đến bản Nguồng (Muổi Nọi), ở đây 100% các hộ dân đều đã thực hiện ghép nhãn chín muộn. Trưởng bản Quàng Văn Sôm dẫn chúng tôi thăm vườn nhãn ghép của gia đình vừa thu hoạch quả, giới thiệu: Bản hiện có 60 hộ, với 100% dân tộc Thái sinh sống, 4 năm trở lại đây, người dân trong bản chuyển hướng sang trồng, ghép loại nhãn chín muộn (giống nhãn ở tỉnh Hưng Yên) cho năng suất và chất lượng khá cao, trở thành hàng hóa bán chạy trên thị trường. Cái hay nữa là bà con có thể trồng xen kẽ nhãn vào vườn cây cà phê, cây mận. Hiệu quả từ thực tiễn, các hộ trong bản đã chuyển đổi diện tích cây trồng kém năng suất sang trồng nhãn ghép giống mới. Bây giờ, bản có gần 1.000 cây nhãn ghép, trong đó có 400 cây đã cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 6 tấn, bà con rất phấn khởi. Nhà tôi trồng hơn trăm cây nhưng mới ghép thử 20 cây, vừa bói quả lứa đầu đã thu 12 triệu đồng. Hiện tại, tôi đã tiến hành ghép toàn bộ, chăm bón tốt, chỉ hai năm nữa là có thể thu quả.
Được trưởng bản Nguồng giới thiệu, chúng tôi thăm vườn nhãn của gia đình ông Quàng Văn Tính, bản Nguồng (Muổi Nọi), ông cho biết: Năm 2004, gia đình trồng xen 90 cây nhãn trong vườn cà phê, mấy năm gần đây cây nhãn đã già cỗi, năng suất kém, quả lại không đẹp nên giá bán thấp. Được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ, tháng 4/2012, gia đình tôi tham gia mô hình cải tạo 50 cây nhãn địa phương ghép bằng giống nhãn chín muộn, đầu tư 4 triệu đồng tiền ghép. Sau 1 năm, trừ chi phí thu lãi 16 triệu đồng. Sau đó, gia đình tự học và ghép thêm 40 gốc nhãn nữa. Vụ nhãn vừa qua, thu được 4 tấn nhãn quả, trừ chi phí thu trên 80 triệu đồng. Đây là giống nhãn mới, quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc không khó. Tuy nhiên, để quả to, đều, chất lượng ngon cần tưới nước và kết hợp bón phân cân đối.
Tìm hiểu được biết, xã Muổi Nọi có hơn 8.000 cây nhãn, trong đó, gần 6.000 cây đã cho thu hoạch, được trồng xen với các cây trồng khác, tập trung ở các bản: Nguồng, Sang, Sẳng, Cống, Lọng Phặng, Co Cại, Nà Xa, Tây Hưng và Đông Hưng. Do trước kia trồng nhãn địa phương, năng suất thấp, giá rẻ, thời điểm nhãn chín rộ, loại quả ngon giá cũng chỉ khoảng 10.000 đồng/kg. Năm 2012, Trạm Khuyến nông huyện triển khai mô hình ghép cải tạo vườn nhãn bằng giống nhãn chín muộn trên 140 cây nhãn địa phương của 6 gia đình trong xã, với hơn 5.000 mắt ghép giống nhãn PH1, PH2 ở Hưng Yên, đây là giống nhãn năng suất cao, chất lượng quả thơm, ngon. Tham gia mô hình, các hộ được tập huấn kỹ thuật và được hỗ trợ 40% mắt ghép, 100% phân bón. Những cây nhãn địa phương già cỗi, thoái hóa, năng suất thấp, được cưa gốc từ tháng 9 năm trước, đến tháng 4 năm sau bắt đầu ghép. Sau 1 năm thu hoạch đạt 50 kg quả/cây, từ năm thứ 2 trở đi đạt từ 1 tạ quả/cây trở lên. Ưu điểm của giống nhãn chín muộn là đưa ra thị trường muộn hơn nhãn chính vụ, nên được giá gấp 2-3 lần so giống nhãn địa phương (từ 20-30 nghìn/kg).
Thấy hiệu quả từ mô hình ghép cải tạo vườn nhãn bằng giống nhãn chín muộn, nhiều hộ dân đã tự học ghép cải tạo vườn nhãn của gia đình. Đến nay, toàn xã có 130 hộ ghép gần 3.000 gốc nhãn, trong đó, 2.300 gốc đã cho thu hoạch, sản lượng nhãn chín muộn toàn xã đạt trên 100 tấn quả/năm. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của tỉnh về trồng cây ăn quả trên đất dốc và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, huyện Thuận Châu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung cải tạo vườn nhãn để ghép các giống nhãn năng suất, chất lượng cao cho các xã trồng nhãn trong huyện. Từ đầu năm đến nay, huyện đã hỗ trợ xã Muổi Nọi ghép thử nghiệm 215 cây nhãn, tại 125 hộ để nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Hiện, nông dân đang cắt tỉa thêm trên 100 gốc nhãn địa phương để ghép hơn 4.000 mắt nhãn chín muộn.
Qua thực tế cho thấy, mô hình ghép nhãn chín muộn trên giống nhãn địa phương ở Muổi Nọi bước đầu đạt hiệu quả kinh tế, chỉ sau một năm đã cho thu hoạch, vốn đầu tư ít, dễ áp dụng, cải tạo vườn tạp, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác hiệu quả. Hướng đi này đang được xã Muổi Nọi đón nhận với niềm tin vào sự phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!