Mô hình nuôi giống thỏ New Zealand ở Chiềng La

Về Chiềng La (Thuận Châu) lần này, được nghe người dân kể nhiều về các mô hình VAC đem lại thu nhập cao cho người dân nhưng ấn tượng hơn cả vẫn là việc đưa chăn nuôi thỏ ngoại trở thành hướng thoát nghèo mới. Từ những câu chuyện thú vị đó, chúng tôi đã đến nhà anh Tòng Văn Doa, bản Lả Lốm, người đầu tiên đưa giống thỏ ngoại về nuôi với số lượng lớn đã thích nghi với vùng đất này.

 

Mô hình nuôi thỏ New Zealand của gia đình anh Tòng Văn Doa, bản Lả Lốm, xã Chiềng La (Thuận Châu).

 

Đến thăm nhà anh Doa đúng vào thời điểm gia đình đang tu sửa lại mảnh vườn sau nhà để trồng thêm vài giống cây ăn quả làm cây che bóng cho hơn 600 chuồng thỏ đang bước vào thời kỳ sinh sản. Dẫn chúng tôi đi thăm quan khu chăn nuôi thỏ của gia đình, anh Doa chia sẻ: Đầu năm 2017, trong một lần tình cờ xem chương trình giới thiệu về mô hình nuôi giống thỏ New Zealand trên tivi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Qua tìm hiểu được biết, giống thỏ này có nhiều ưu điểm hơn so với các giống thỏ thông thường khác, ít bệnh tật, tỷ lệ đẻ con và nuôi sống cao; nhận thấy, nuôi thỏ có khả năng phát triển kinh tế gia đình, tôi đã mạnh dạn tập trung vốn mua 500 con thỏ cái cùng 10 con thỏ đực từ Yên Bái về nuôi. Do chăm sóc đúng quy trình, chỉ sau hơn 5 tháng, thành quả đã đến với gia đình khi lần lượt đàn thỏ cái đều đẻ.

Quan sát thấy, hệ thống chuồng trại của gia đình anh được đầu tư xây dựng khá hiện đại, lồng nuôi được sắp xếp khoa học và được chia thành các khu vực khác nhau, gồm chuồng nuôi thỏ bố mẹ, chuồng nuôi thỏ hậu bị, chuồng nuôi thỏ con vừa tách mẹ. Mỗi con thỏ giống được nuôi trong một ô rộng khoảng 0,5 m2, mỗi ô đều được đánh số, có phiếu theo dõi các giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Trại được trang bị hệ thống nước uống tự động và máng đựng thức ăn tinh, có quạt để điều chỉnh nhiệt độ. Về kỹ thuật chăn nuôi thỏ, anh Doa cho biết: Nuôi giống thỏ New Zealand không khó, để đàn thỏ luôn phát triển và đẻ tốt thì cần chú ý chuồng trại luôn thoáng mát và vệ sinh thường xuyên. Thức ăn của thỏ 70% là cỏ, rau xanh, còn 30% là cám công nghiệp; quá trình cho ăn phải cẩn thận vì thỏ rất dễ bị bệnh đường ruột. Rau, cỏ, lá cây khi cắt về còn ướt không được cho ăn ngay mà phải đem phơi cho ráo nước hoặc để héo, sau đó mới cho thỏ ăn. Ngoài ra, phải thường xuyên khử trùng chuồng nuôi và tiêm phòng phòng bệnh định kỳ cho thỏ. Theo anh Doa, nếu chăm sóc đúng quy trình, thỏ sẽ lớn rất nhanh, chỉ từ 2,5 - 3 tháng kể từ khi sinh, trọng lượng của thỏ đạt khoảng 2,5-3 kg/con là có thể xuất bán. Đặc biệt, thỏ ngoại có khả năng sinh sản khá cao, thỏ cái sau 5-6 tháng nuôi đã bắt đầu sinh sản, bình quân mỗi năm sinh sản từ 6-8 lứa, mỗi lứa trung bình từ 6-10 con.

Khi đàn thỏ bắt đầu được nhân lên thì lượng chất thải cũng gia tăng gây ô nhiễm môi trường nhưng điều đặc biệt khi đến thăm trại thỏ của gia đình anh Doa, chúng tôi không thấy có mùi khó chịu như một số nơi nuôi thỏ thông thường khác do anh thiết kế chuồng nuôi cách mặt đất gần 1m, phía dưới là các luống nuôi giun quế rộng 1,2-1,5 m. Do gầm chuồng thỏ luôn râm mát nên giun sinh sôi nhanh; chất thải của thỏ được phân giải hết nhờ những con giun quế. Áp dụng cách làm này, chuồng trại luôn sạch sẽ, thông thoáng, thỏ cũng phát triển khỏe mạnh hơn, không bị bệnh nấm như trước đây. Lượng giun thu được, anh dùng để làm thức ăn chăn nuôi gia cầm.

Sau nhiều lần nhân giống, xuất bán, sau hơn 1 năm, đến nay, tổng số thỏ nái sinh sản, thỏ thương phẩm, thỏ hậu bị của gia đình anh đã lên tới hơn 1.000 con. Do xuất bán hàng tháng nên gia đình anh nuôi thỏ theo cách gối đàn liên tục, trung bình mỗi tháng gia đình anh xuất bán ra thị trường gần 1 tạ thỏ thương phẩm và trên 100 con giống. Với ưu điểm thịt thơm ngon nên giống thỏ này được khách hàng rất ưa chuộng và tư thương từ các huyện Mai Sơn, Mường La và tỉnh Yên Bái tìm đến tận nơi để thu mua. Với giá bán thỏ giống 120.000 đồng/kg; thỏ thương phẩm 80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi lứa, gia đình anh thu lãi trung bình từ 10-15 triệu đồng. Bên cạnh việc nuôi thỏ, gia đình anh nuôi thêm 800 con gia cầm, trồng trên 2 ha cây ăn quả, dự kiến năm nay mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh sẽ cho thu nhập trên 300 triệu đồng.

Mặc dù chăn nuôi thỏ không phải là mô hình mới, song việc đầu tư nuôi quy mô và bài bản như gia đình anh Tòng Văn Doa là mô hình đầu tiên ở huyện Thuận Châu. Hy vọng, đây sẽ là mô hình để nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Chiềng La nói riêng và huyện Thuận Châu nói chung có thể nghiên cứu để tìm hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi, mang hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống và làm giàu.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới