Mãi khắc ghi hình ảnh Bác kính yêu

Trong những ngày tháng 4, chúng tôi có chuyến đi về bản Nà Thái, xã Phổng Lăng để gặp ông Lò Văn Liêm - cán bộ xã phụ trách khối thanh thiếu nhi, học sinh dự Lễ mít-tinh kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 4 năm thành lập Khu tự trị Thái - Mèo tại Thuận Châu ngày 7/5/1959.

Ông Lò Văn Liêm cùng các con bên tấm

Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất của Nhà nước trao tặng

Dù đã 86 tuổi, song giọng nói vẫn rất mạch lạc, ông Liêm tự hào kể lại kỷ niệm ngày được gặp Bác Hồ 60 năm về trước. Ông bảo, khi đó ông đang là Ủy viên thư ký Ủy ban kháng chiến hành chính xã Chiềng Sơ (Phổng Lăng ngày nay) phụ trách khối văn hóa - xã hội. Nhận được thông báo có cuộc mít-tinh lớn đón Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương lên thăm, không chỉ ông mà cả xã đều mừng; ông càng hồi hộp hơn khi được phân công tập hợp khoảng 300 thanh thiếu niên, nhi đồng, học sinh trên địa bàn để đón Bác. Công việc không hề đơn giản, bởi các lớp học chủ yếu là mượn nhà dân, nhiều cháu chưa nói được tiếng phổ thông; càng vất vả hơn khi hướng dẫn các cháu luyện tập xếp hàng, đồng thanh hô khẩu hiệu khi tham dự mít-tinh. 

Ngày 7/5/1959, từ 5 giờ sáng, đội ngũ thiếu niên, nhi đồng, học sinh theo hướng dẫn của ông có mặt tại sân vận động, nhanh chóng xếp hàng ngay ngắn, đúng vị trí, ngay giữa trung tâm, cách lễ đài chỉ khoảng 5 đến 6 mét. Khoảng 7 giờ thì Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương tiến vào lễ đài. Tất cả các khối và nhân dân đồng thanh hô vang “Hồ Chủ tịch xen pi!” (Hồ Chủ tịch muôn năm!), “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm”. Bác Hồ giơ tay vẫy chào, sau đó Người ra hiệu cho mọi người im lặng. Cả rừng người bỗng im phăng phắc, ai nấy đều muốn nghe rõ từng lời nói của Bác. Nét mặt hiền từ, giọng nói ấm áp, truyền cảm, Bác Hồ ân cần dặn dò đồng bào và bộ đội, cán bộ Tây Bắc ra sức thi đua sản xuất và tiết kiệm, đưa Tây Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cho đời sống ngày càng ấm no và hạnh phúc. Ngừng giây lát, Người hỏi bằng tiếng Thái: “Pi noọng hụ báu?” (Đồng bào có hiểu không?). Ngỡ ngàng giây lát, rồi cả rừng người cùng reo lên: “Hiểu ạ! Hiểu ạ!”.

Tại lễ mít-tinh, đã diễn ra diễu hành biểu dương lực lượng, đi đầu là đoàn đại biểu đại diện hơn 30 vạn dân tộc Tây Bắc; tiếp đến là đội ngũ anh hùng, chiến sỹ thi đua; các khối công nhân, nông dân, bộ đội, cán bộ, học sinh, văn nghệ sĩ, vận động viên thể dục thể thao... ai ai cũng hướng về Lễ đài để được khắc sâu hơn nữa hình ảnh của Bác. Khi Bác và Đoàn công tác đã sang thăm triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội của Khu tự trị, đồng bào các dân tộc vẫn cùng nhau tay nắm tay múa xòe hoa đoàn kết...

Khắc sâu từng lời dạy của Người trong tâm trí, sau lần gặp Bác, ông Liêm tự nguyện tham gia bộ đội địa phương, rồi được bầu làm Ủy viên thư ký Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Chiềng Sơ; năm 1960, làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã. Với cương vị được giao, ông tích cực vận động nhân dân tham gia bình dân học vụ để xóa mù chữ; tập trung sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi... chống “giặc đói, giặc dốt” theo lời Bác dạy. Tháng 10/1968, ông được điều động làm Chính trị viên phó Trạm tiền phương tại chiến trường C (Sầm Nưa, CHDCND Lào); tháng 4/1969, được bầu làm Bí thư Đảng ủy khối văn hóa - xã hội huyện... Ở cương vị nào, ông cũng luôn gương mẫu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Với những công lao đóng góp, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Pháp cứu nước hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; năm 2011, vinh dự nhận Huy hiệu Đảng 50 năm...

(Ghi theo lời kể của nhân vật)

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới