Khó khăn trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Thuận Châu

Thực hiện Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011 và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 4/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung chỉ đạo và tăng cường biện pháp thực hiện để trong năm 2013 hoàn thành cơ bản việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD đất), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (yêu cầu đến ngày 31/12/2013 phải căn bản hoàn thành việc cấp GCNQSD đất lần đầu trên phạm vi cả nước). Tuy nhiên, đến nay, đa số diện tích đất trong kế hoạch cấp GCNQSD đất lần đầu của huyện Thuận Châu chưa thực hiện xong.

Đất sản xuất của các hộ dân bản Lầm B, xã Bản Lầm (Thuận Châu) xen lẫn đất lâm nghiệp,

khó khăn trong công tác quy hoạch và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

UBND huyện Thuận Châu đã phê duyệt dự toán thực hiện công tác cấp GCNQSD đất lần đầu với tổng kinh phí hơn 18 tỷ 388 triệu đồng (cấp GCNQSD đất cho 10.752 hộ, cá nhân của 10 xã với tổng diện tích trên 15.380 ha). Nhưng do nguồn kinh phí được giao hạn chế, đến nay, huyện mới được bố trí 3 tỷ 980 triệu đồng (bằng 21,66% dự toán duyệt). Mặt khác, do vướng mắc trong việc sử dụng đất, có gần 8.050 ha theo quy hoạch là đất rừng phòng hộ (đã được cấp GCNQSD đất lâm nghiệp), nhưng hiện trạng sử dụng đất là đất sản xuất nông nghiệp đã được các hộ, cá nhân sử dụng ổn định trước thời điểm được cấp GCNQSD đất lâm nghiệp. Do đó, đến nay, công tác cấp GCNQSD đất lần đầu cho các hộ, cá nhân trên địa bàn chưa hoàn thành.

Qua tìm hiểu thực tế ở một số xã, nhất là các xã vùng cao cho thấy, không ít diện tích đất sản xuất nông nghiệp xen lẫn đất rừng phòng hộ. Do tập quán lâu đời của đồng bào dân tộc vùng cao là sinh sống và canh tác trên địa bàn vùng rừng núi, đất sản xuất, đất ở xen kẽ với đất rừng, một số hộ dân khai hoang để làm nương đã diễn ra từ lâu, khiến công tác đo đạc, thẩm định để cấp GCNQSD đất cho các hộ dân trên địa bàn gặp khó khăn. Anh Vừ A Thành, cán bộ địa chính xã Co Mạ, cho biết: Xã đã phối hợp với cán bộ chuyên môn của tỉnh, huyện đo đạc, thẩm định trình 781 hồ sơ cấp GCNQSD đất cho các hộ dân trên địa bàn. Hiện còn 8 bản: Hua Ty, Hua Lương, Huổi Dên, Chả Lạy B, Nong Vai, Pá Ẩu, Xá Nhá A, Xá Nhá B chưa hoàn thành hồ sơ xin cấp GCNQSD đất, do nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các hộ dân nơi đây thuộc đất quy hoạch đất rừng phòng hộ. Tuy nhiên, hầu hết các diện tích đất sản xuất nông nghiệp đó đã được các hộ dân sử dụng ổn định từ trước thời điểm cấp GCNQSD đất lâm nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Văn Lịch, cán bộ địa chính xã Bản Lầm, thông tin: Xã đã lập danh sách, thống kê diện tích để trình cấp GCNQSD đất lần đầu cho 268 hộ trên địa bàn cách đây 2 năm. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa thấy cán bộ của cơ quan chuyên môn đến đo đạc, thẩm định hồ sơ. Nhiều hộ có nhu cầu vay vốn ở các ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất, nhưng không có GCNQSD đất để thế chấp.

UBND huyện Thuận Châu đã có văn bản trình các cấp, các ngành thẩm quyền xem xét cấp kinh phí bổ sung (tổng số tiền hơn 13 tỷ 400 triệu đồng) và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng gần 8.050 ha đất rừng, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo. Rất mong các cấp, các ngành chức năng quan tâm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để huyện thực hiện công tác cấp GCNQSD đất lần đầu cho các hộ, cá nhân, tạo cơ sở để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai, tạo điều kiện cho các hộ dân thuận lợi trong việc giao dịch vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Minh Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới