Hướng đi mới ở Huổi Pản

Được Hội Nông dân xã Mường Khiêng (Thuận Châu) giới thiệu, chúng tôi đến thăm mô hình liên kết trong phát triển kinh tế ở HTX Huổi Pản, bước đầu đem lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân nơi đây.

 

Phát triển nuôi cá lồng ở Hợp tác xã Huổi Pản, xã Mường Khiêng.

Tìm hiểu được biết, Huổi Pản là bản tái định cư thủy điện Sơn La, có 59 hộ di chuyển từ bản Pá Mu, thị trấn Ít Ong (Mường La) đến Mường Khiêng vào năm 2005. Đến nơi ở mới, đất sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, trung bình mỗi hộ được giao khoảng 1 ha đất sản xuất, người dân chủ yếu trồng ngô, sắn, năng suất thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2015, 4 hộ dân của bản Huổi Pản đã thầu 1.000 m2 mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La khu vực bản Huổi Tát, xã Liệp Tè (Thuận Châu) để phát triển nuôi cá lồng. Mô hình nuôi cá lồng đầu tiên được thực hiện với 20 lồng, nuôi các loại cá trắm, nheo, chép. Ông Lường Văn Muôn, một trong 4 hộ đầu tiên nuôi cá, nhớ lại: Nhờ thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật trong nuôi cá mà 6 lồng cá của gia đình đều phát triển tốt. Sau hơn 6 tháng nuôi, thu được hơn 5 tạ cá, thu hơn 30 triệu đồng. Gia đình tôi phấn khởi lắm, đây là hướng đi đúng để chúng tôi phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Để liên kết các hộ gia đình tham gia nuôi tập trung và tìm đầu ra cho sản phẩm, tháng 5/2016, HTX Huổi Pản được thành lập. Hiện, HTX có 12 thành viên, nuôi 44 lồng cá, trung bình mỗi lồng cá có diện tích hơn 20 m2, được làm bằng khung thép chắc chắn, tập trung nuôi các loại cá: Trắm, rô phi, chép, lăng vàng, nheo và diêu hồng. Thức ăn cho cá được các thành viên tận dụng nguồn thức ăn sẵn có của địa phương như, bột ngô, sắn, rau và lá chuối... giúp đàn cá lớn nhanh và phát triển tốt, chất lượng sản phẩm cao, được nhiều người dân trong xã và các vùng lân cận tin dùng. Anh Vì Văn Nghiêm, Giám đốc HTX Huổi Pản, cho biết: Để cá phát triển tốt, các thành viên HTX đã thực hiện đúng yêu cầu về kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ bệnh cho cá, đảm bảo các lồng cá không có dịch bệnh xảy ra. Khó khăn lớn nhất của HTX là nguồn vốn để mở rộng sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, HTX Huổi Pản bán được hơn 15 tấn cá các loại với giá bán giao động từ 40-90 nghìn đồng/kg tùy vào từng loại cá, thu được hơn 800 triệu đồng. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, HTX đã ký kết với Công ty Thủy sản sông Đà bao tiêu sản phẩm, trung bình 30 tấn cá/vụ. Ngoài việc tập trung nuôi cá lồng, HTX Huổi Pản còn vận động các thành viên đẩy mạnh trồng cây ăn quả trên đất dốc, năm 2018, các thành viên của HTX đã trồng mới 15 ha xoài Đài Loan. Được biết, thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ tổng hợp để nâng cao thu nhập cho các thành viên và phục vụ nhu cầu của  người dân ở địa phương.

Là thành viên HTX Huổi Pản, anh Quàng Văn Đức, chia sẻ: Tôi tham gia vào HTX được hưởng nhiều lợi ích thiết thực, được tham gia trao đổi kinh nghiệm trong phát triển sản xuất, được hướng dẫn kỹ thuật... Đầu năm 2018, tôi mạnh dạn vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng số vốn tiết kiệm của gia đình để đầu tư nuôi 4 lồng cá. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của các thành viên, sau hơn 3 tháng, cá sinh trưởng, phát triển tốt.

Có thể thấy sau 2 năm thành lập, HTX Huổi Pản tuy còn không ít khó khăn, nhưng với sự đoàn kết của các thành viên, HTX đang từng bước đi vào hoạt động hiệu quả, tạo niềm tin cho các thành viên. Song để mô hình phát triển bền vững rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành địa phương trong việc hỗ trợ nguồn vốn, đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm.

A Mua (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới