Những năm qua, từ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, huyện Thuận Châu đã xây dựng, triển khai thực hiện nhiều mô hình nông, lâm nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, khai thác hiệu quả thế mạnh của địa phương, từng bước vươn lên làm giàu.
Mô hình tưới nhỏ giọt cho cây cà phê theo công nghệ Israel tại xã Phổng Lái.
Các cấp, các ngành huyện Thuận Châu đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng đúng mục đích nguồn hỗ trợ của các chương trình, dự án, nhất là hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; thông báo công khai các chính sách hỗ trợ, lựa chọn các hộ có điều kiện để đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng mô hình hiệu quả... Tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ cây, con giống, vật tư phục vụ sản xuất từ nguồn vốn ngân sách. Nhờ vậy, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
5 năm qua (2011-2016), huyện Thuận Châu đã triển khai, thực hiện 156 mô hình thuộc nguồn vốn di dân tái định cư thủy điện Sơn La và 35 mô hình thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh và huyện. Qua đánh giá, đa số các mô hình đều phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu vùng; khả năng tiếp nhận và nhân rộng mô hình của người dân có tính khả thi; trình độ, kỹ thuật của người dân từng bước nâng lên, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả, như: mô hình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu tại xã Chiềng Pấc, năng suất 320 tạ/ha; trừ chi phí giống, vật tư, công làm đất, chăm sóc thu 100 triệu đồng/ha; hiện, mô hình đã được nhân rộng trong vụ đông hằng năm tại xã. Mô hình thâm canh giống sắn KM 94 trồng xen lạc theo “Dự án phát triển sắn bền vững tại các tỉnh miền núi phía Bắc” tại 2 xã Mường Khiêng và Chiềng Ngàm, góp phần cải tạo đất, chống xói mòn, năng suất sắn tăng 40% so với trồng truyền thống, đạt 35 tấn củ tươi/ha, thu nhập khoảng 52 triệu đồng/ha; mô hình đã được các hộ nông dân nhân rộng trên 300 ha tại xã Mường Khiêng và 50 ha tại xã Chiềng Ngàm. Hay mô hình tưới nhỏ giọt cho cây cà phê theo công nghệ Israel tại xã Phổng Lái, đến nay đã lắp đặt xong hệ thống tưới, đưa vào khai thác sử dụng, tưới 15 lượt/3,5 ha cho cây cà phê đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật. Ngoài ra còn nhiều mô hình khác, như: nuôi ba ba gai thương phẩm, trồng rau an toàn, nuôi lợn Móng Cái sinh sản, ngân hàng lợn đực giống ngoại, chăn nuôi gà trên nền đệm lót sinh học, nuôi gà bố mẹ gắn với máy ấp trứng...
Bên cạnh việc xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, huyện Thuận Châu còn tổ chức hội thảo, tổ chức cho người dân tham quan học tập, tiếp cận với khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ và năng lực thâm canh để nhân rộng trên địa bàn; tạo sức lan tỏa, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác hiệu quả thế mạnh của địa phương, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Nhờ vậy, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện năm 2016 ước hơn 1.400 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2015. Toàn huyện đẩy mạnh mở rộng, thâm canh 732 ha cây chè; 3.410 ha cà phê; chăn nuôi không ngừng mở rộng quy mô, số lượng, toàn huyện hiện có hơn 42.800 con trâu, bò; 87.000 con lợn trên 2 tháng tuổi; trên 600 nghìn con gia cầm các loại và 375 ha thủy sản, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
Phát huy kết quả đạt được, huyện Thuận Châu tiếp tục tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tuân thủ quy trình sản xuất; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!