Bản Co Tòng, xã Co Tòng (Thuận Châu) có tổng diện tích tự nhiên 230 ha, trong đó có hơn 120 ha rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng, nhiều năm qua, bản không để xảy ra tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng, phát rừng làm nương và trở thành điểm sáng tiêu biểu trong công tác giữ và bảo vệ rừng của xã.
Người dân bản Co Tòng, xã Co Tòng (Thuận Châu) trao đổi phương pháp quản lý, bảo vệ rừng.
Anh Vừ Bả Chứ, Trưởng bản Co Tòng cho biết: Là địa bàn có diện tích rừng lớn ở xã, lại tiếp giáp với nhiều bản xung quanh; diện tích rừng trải dọc theo tuyến tỉnh lộ 108 vào xã và gần khu dân cư, dẫn đến nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn được bản quan tâm và có cách làm chặt chẽ nên đã giữ được rừng. Ngoài thực hiện những quy định chung, tại đây bà con đã gắn bảo vệ rừng với thực hiện hương ước, quy ước của bản và được tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện tốt Luật Bảo vệ và phát triển rừng từ trong gia đình, dòng họ, ăn sâu vào ý thức người dân... Nhờ thế, rừng của bản ngày một xanh hơn. Bây giờ chẳng ai phá rừng làm nương.
Những năm gần đây, để làm tốt công tác bảo vệ rừng, bản Co Tòng đã thành lập 8 tổ bảo vệ rừng dựa theo hương ước đã được xây dựng và ban hành từ trước. Vào đầu mùa khô, tổ chức họp bản tuyên truyền đến các hộ dân và ký cam kết bảo vệ rừng, giữ rừng, không phát rừng làm nương rẫy. Ngoài ra, bản còn xây dựng bảng biểu, biển báo tuyên truyền trên loa truyền thanh của bản; chỉ đạo các chủ hộ tạo các đường băng cản lửa tại các khu đồi giáp danh với các bản lân cận được thiết kế bao quanh giữa khu nương rẫy của người dân với diện tích rừng trồng rộng từ 8-10 mét. Theo quy định hương ước của bản, những diện tích nương cũ khi muốn đốt, chủ nương phải báo với trưởng bản để cử người kiểm tra, kịp thời dập lửa khi có dấu hiệu lan sang rừng; các hộ chăn nuôi đại gia súc được quy hoạch từng khu, vùng chăn thả.
Với phương châm “phòng là chính”, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật Bảo vệ và Phát triển rừng luôn được bản coi trọng. Đối với diện tích rừng được giao quản lý, bản chỉ đạo các nhóm trưởng phân công cụ thể cho từng thành viên nhất là thời điểm mùa khô, thường xuyên tuần tra, kiểm soát các khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao; khoanh vùng và sẵn sàng ứng cứu chữa cháy rừng khi có cháy xảy ra. Bên cạnh đó, bản còn chủ động trang bị các phương tiện, như: Loa cầm tay, đèn pin, cưa cắt cây, can đựng nước, dao quắm... phục vụ cho công tác PCCCR.
Bên cạnh việc giữ rừng thì bản Co Tòng còn đẩy mạnh phát triển kinh tế từ trồng rừng sản suất. Từ năm 2012 đến nay, bản đã trồng mới 45 ha cây sơn tra, đến nay diện tích sơn tra đã cho thu hoạch gần 200 tấn quả/năm, nguồn thu từ rừng đã thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình. Điển hình là gia đình chị Và Thị Ía, bản Co Tòng trồng 4 ha rừng sơn tra, ngoài ra, gia đình chị còn tận dụng diện tích rừng phát triển chăn nuôi gà đồi, lợn rừng, trâu, bò, thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Chị Ía phấn khởi: Nhờ có rừng mà đời sống của gia đình tôi đã khá hơn nhiều, tôi đã xây dựng được căn nhà khang trang và ra khỏi danh sách hộ nghèo từ năm 2017.
Chủ tịch xã Co Tòng nhận xét: Co Tòng là một trong những bản có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý và bảo vệ rừng ở xã. Hơn nữa, nhờ được Nhà nước thanh toán tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng kịp thời đã giúp cho Ban quản lý rừng cộng đồng bản hoạt động hiệu quả, từ đó góp phần nâng cao diện tính rừng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn. Hằng năm, bản được UBND xã khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Việc trồng rừng và giữ rừng ở bản Co Tòng đã được người dân đồng thuận ủng hộ; bảo vệ tốt và phát triển rừng theo hướng bền vững. Từ những vùng đất trống, đồi núi trọc nay đã được phủ xanh, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy kinh tế, xã hội ở địa phương phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!