Đảng bộ Thuận Châu đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Hơn 10 năm qua, Đảng bộ huyện Thuận Châu không ngừng đổi mới phương pháp lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền trên các lĩnh vực; trong đó, trọng tâm gắn việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với cải cách hành chính.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận ''một cửa'' xã Chiềng Bôm (Thuận Châu).

Qua đó, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức theo hướng sát dân, trọng dân và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần quan trọng vào phòng ngừa quan liêu, tham nhũng, lãng phí; tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và giữ vững quốc phòng an ninh.

Đảng bộ đã chỉ đạo hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là Kết luận số 65-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; gắn việc phát triển kinh tế - xã hội, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các phong trào, các hoạt động văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh trật tự ở cơ sở. Ban chỉ đạo quy chế dân chủ và cải cách hành chính được được kiện toàn, củng cố từ huyện đến 29 xã, thị trấn. Đồng thời triển khai thực hiện quy chế dân chủ gắn với thực hiện pháp lệnh cán bộ công chức; nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ công chức, nâng cao hiệu lực quản lý bộ máy lãnh đạo. Triển khai các quy trình công khai thủ tục hành chính đến các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn. Công tác tiếp dân được tổ chức và thực hiện nghiêm túc, thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa” và “một cửa liên thông” trong giải quyết các thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Cán bộ, công chức ở bộ phận một cửa được tập huấn và bồi dưỡng kiến thức, quy trình, thủ tục hành chính ở lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, xây dựng, địa chính... qua đó đã giải quyết kịp thời các nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; giảm bớt sự quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, cho doanh nghiệp.

Cùng với việc công khai các thủ tục hành chính, các khoản phí, lệ phí, đóng góp của dân được các xã, thị trấn cụ thể hóa bằng 14 việc thông báo cho dân biết; 5 việc nhân dân bàn và quyết định; 9 việc nhân dân bàn, chính quyền quyết định; 11 việc nhân dân giám sát kiểm tra, các chương trình, dự án của Trung ương và của tỉnh được niêm yết công khai để “dân được biết, được bàn, được làm, được giám sát kiểm tra”; góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục công trình... Theo đó, ở các công sở thực hiện niêm yết nội dung những quy định về thủ tục hành chính để nhân dân tiện liên hệ, giải quyết công việc, cán bộ, công chức được phân công cụ thể rõ người, rõ việc, hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao. Công tác tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí cán bộ được thực hiện nghiêm túc theo các quy định của pháp luật, đảm bảo tính dân chủ, công khai, rõ ràng và minh bạch. Các cơ quan, đơn vị đều xây dựng các quy chế, quy định làm việc, công khai các tiêu chuẩn về tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm, đào tạo cán bộ. Do đó, cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị đều phấn khởi, yên tâm công tác và tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chủ trương của Đảng, chấp hành nghiêm các chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Việc gắn thực hiện quy chế dân chủ với cải cách hành chính đã tạo ra sự thông thoáng trong giải quyết công việc, sự gắn kết giữa người dân với các cơ quan công quyền, những việc dân cần biết, cần bàn, dân thống nhất được các cơ quan, đơn vị thông báo công khai để dân biết, dân chấp hành và thực hiện nghiêm túc; tránh sự phiền hà, bức xúc trong dân và doanh nghiệp. Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới Thuận Châu tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; rà soát, bổ sung, kiện toàn ban chỉ đạo, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở và hoạt động của bộ phận “Một cửa”, “Một cửa liên thông”. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tuyên truyền cho hội viên, đoàn viên giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ và công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân tại địa phương, cơ quan, đơn vị theo đúng chức năng, thẩm quyền. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về ý thức tôn trọng luật pháp và quyền làm chủ. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, sửa đổi lề lối làm việc, dân chủ hóa và công khai hóa, chống quan liêu, tham nhũng, cửa quyền; phấn đấu chính quyền thực sự là của dân, do dân và vì dân.

Nguyễn Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới