Chuyện về Chủ tịch xã năng động, nhiệt huyết

Trở lại xã Mường É (Thuận Châu) những ngày cuối tháng 7, con đường từ lưng chừng đèo Pha Đin xuôi xuống trung tâm xã không còn ghồ ghề như trước nữa, mặt đường được trải nhựa phẳng phiu, nối với những con đường bê tông vươn dài đến tận các bản xa. Dọc hai bên đường, màu xanh của những vườn cây ăn quả, những luống chè uốn lượn phủ kín các sườn đồi, trung tâm xã hiện ra với những ngôi nhà xây, mái ngói, quán xá bày bán đủ các loại hàng hóa... khiến chúng tôi thực sự ấn tượng về vùng quê đang đổi thay từng ngày.

Chủ tịch UBND xã Mường É Quàng Văn Xiến kiểm tra đổ bê tông đường liên bản.

Tại trụ sở xã, người thanh niên với dáng vẻ nhanh nhẹn, niềm nở đón chúng tôi vào phòng làm việc, anh chính là Chủ tịch xã Mường É Quàng Văn Xiến. Dù mới ở tuổi 30, nhưng trông anh chững chạc, điềm tĩnh. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, anh Xiến sinh ra và lớn lên tại bản Kiểng, xã Mường É, là xã đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu. Tốt nghiệp trung học phổ thông, anh đi học Trung cấp lý luận Chính trị - Trung cấp thống kê - Văn phòng tại Trường Chính trị tỉnh, sau đó về công tác tại UBND xã Mường É từ năm 2006. Là Bí thư Đoàn xã, anh luôn năng nổ, nhiệt tình trong mọi công việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chứng kiến cảnh lao động vất vả, cuộc sống khó khăn của bà con, khi không có đường, không có điện, sản phẩm nông sản làm ra cũng không bán được, chủ yếu tự cung, tự cấp..., anh luôn trăn trở phải làm sao giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Với vai trò là "thủ lĩnh" của lực lượng đoàn viên thanh niên, anh luôn tìm cách để truyền cảm hứng cho đoàn viên của mình dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong phát triển kinh tế, tạo nên một phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp rộng khắp. Sự năng động của chàng thanh niên Quàng Văn Xiến đã được ghi nhận, tháng 6/2015, anh Quàng Văn Xiến được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã.

Nhận nhiệm vụ mới, anh Xiến xác định, đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề, ngay sau khi đảm nhận cương vị Chủ tịch xã, việc đầu tiên anh đặt ra là phải làm đường giao thông nông thôn, vì có đường mới thúc đẩy phát triển sản xuất, giao thương hàng hóa và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Nhưng, việc bê tông hóa đường giao thông ở một xã khó khăn như Mường É không phải chuyện dễ dàng. Nhớ lại ngày đầu khi mới bắt tay làm đường giao thông nông thôn, anh Xiến kể: Do địa hình phức tạp, đường quanh co, độ dốc cao, đời sống của bà con trên địa bàn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nên việc vận động nhân dân hiến đất, đóng góp công sức làm đường rất khó khăn. Khi thi công tuyến đường vào bản Kiểng, do chiều rộng mặt đường cũ hẹp, nên cần một số hộ dân hiến đất để mở rộng khi bê tông hóa, nhưng do nhận thức chưa hết, các hộ dân yêu cầu được đền bù và cho rằng, từ trước đến giờ không đổ bê tông, con đường vẫn đi được, chúng tôi đã phải nhiều lần xuống tận nơi vận động, giải thích trực tiếp, rồi còn thông qua già làng, trưởng bản, người có uy tín để tiếp tục tuyên truyền đến những hộ gia đình về những lợi ích mang lại khi đường được bê tông hóa. Rồi các hộ gia đình đã thay đổi suy nghĩ, tự nguyện hiến đất để mở rộng đường và tham gia đóng góp công sức lấy cát, đá, thực hiện đổ bê tông tuyến đường vào bản.

Việc làm đường giao thông đã được tập thể lãnh đạo xã bàn bạc thống nhất, đặc biệt là xã đã xin chủ trương và được huyện Thuận Châu đồng ý cho khai thác cát, đá, sỏi tại dòng suối trên địa bàn. Khi có chủ trương đúng, lòng dân đã thuận, mọi người cùng chung tay, góp sức cùng làm. Dòng suối hiền hòa nay bỗng trở nên nhộn nhịp, từng nhóm người dân cùng nhau khai thác cát, sỏi; tiếng hô hào gồng, gánh tập kết vật liệu, xen lẫn tiếng máy nổ rền vang của máy trộn bê tông đang thi công trên khắp các tuyến đường trên địa bàn xã. Không khí của những ngày làm đường giao thông vui như hội, đánh thức một vùng quê vốn yên tĩnh trỗi dậy chuyển mình. Cứ thế, các tuyến đường bê tông cứ nối dài mãi từ bản này sang bản kia.

Đưa chúng tôi đến bản Cang Kéo, là bản chỉ có 29 hộ, 154 nhân khẩu nhưng đã hoàn thành đổ bê tông tới 1,7 km đường. Trên con đường bê tông khang trang, Trưởng bản Lò Văn Diện nói, giọng đầy phấn khởi: Lúc đầu triển khai rất khó khăn, do đường vào bản bị suối ngăn cách, ô tô không vào được nên bà con trong bản phải vận chuyển vật liệu bằng xe máy, tuyến đường nội bản dài, số hộ dân, nhân khẩu thì ít nên phải đóng góp nhiều, được Nhà nước hỗ trợ xi măng, ống cống, chính quyền xã xuống tận nơi động viên nên bà con rất phấn khởi và chỉ sau hơn 1 năm thì đã hoàn thành. Con đường “Ý Đảng, lòng dân” đã thay đổi diện mạo nông thôn nơi đây.

Thành công của việc làm đường giao thông ở Mường É chính là việc cấp ủy, chính quyền quyết tâm vào cuộc cùng với người dân. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã giao mỗi đồng chí phụ trách và thực hiện một tuyến đường nội bản, quá trình triển khai luôn có sự giám sát đồng thời của cán bộ xã và người dân, nhờ đó chất lượng đường bê tông đảm bảo yêu cầu; những vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai được giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở, các bản tổ chức họp dân để lấy ý kiến thống nhất. Đặc biệt, xã khuyến khích việc phát huy gương mẫu của các đảng viên đi đầu trong việc hiến đất, giải phóng mặt bằng và tích cực vận động quần chúng nhân dân thực hiện. Chỉ đạo các bản thành lập các tổ, đội thi công, ban quản lý giám sát cộng đồng để đôn đốc, kiểm tra thực hiện. Phát huy vai trò nhân dân làm chủ thể, tự hạch toán thu, chi công khai minh bạch, do vậy, các tuyến đường đều hoàn thành kế hoạch đề ra. Từ năm 2015 đến nay, nhân dân hiến hơn 15.000 m² đất, tự nguyện tháo rỡ tường rào, chặt cây để giải phóng mặt bằng. Điển hình như hộ ông Lò Văn Ón, bản Nà Lụ đã hiến hơn 1.000 m² đất để làm đường; hộ ông Lò Văn Tiêng, bản Cang kéo đã hiến 250 m² đất ở để mở rộng tuyến đường từ bản Co Cại đến bản Kiểng. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ một xã trước năm 2015 chỉ toàn đường đất, đường vào trung tâm xã mới chỉ rải đá hộc, đến nay đã được rải nhựa, ô tô đi được bốn mùa; hoàn thành đổ bê tông được 29 tuyến với tổng chiều dài gần 39 km đường trục bản, đường liên bản, đường ngõ, xóm, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm và không lầy lội vào mùa mưa; tổng đầu tư hơn 56 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 14,6 tỷ đồng, nhân dân đóng góp tiền và ngày công trị giá 41,4 tỷ đồng.

Những tuyến đường kiên cố hoàn thành, thuận lợi cho bà con đi lại và giao thương hàng hóa, nhưng Chủ tịch xã Quàng Văn Xiến vẫn còn rất nhiều trăn trở, anh tâm sự: Tỷ lệ hộ nghèo trong xã còn cao, phải làm gì để giúp bà con vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Vì vậy, tôi đã cùng cấp ủy, chính quyền xã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, trong đó chú trọng trồng cây ăn quả trên đất dốc, cải tạo vườn tạp; đề ra lộ trình phát triển các loại cây trên địa bàn, giao cho mỗi cán bộ xã, bí thư, trưởng bản đảm nhận ít nhất một mô hình phát triển kinh tế để bà con học tập, làm theo.

Chủ tịch xã Quàng Văn Xiến hướng dẫn bà con trong xã cách chăm sóc chanh leo.

Với phương châm cán bộ tiên phong đi trước, đưa các loại cây, con mới vào sản xuất, trong lần tham gia đoàn công tác của tỉnh Sơn La đi tham quan các mô hình kinh tế ở các tỉnh vùng Tây Nguyên, thấy bà con dân tộc Ê Đê trồng được chanh leo quả to, năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, anh Xiến đã nảy sinh ý tưởng đưa cây chanh leo về trồng ở Mường É. Sau khi nghiên cứu điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, anh Xiến quyết định đưa cây chanh leo vào trồng thử nghiệm. Tháng 4 năm 2017, gia đình anh đã chuyển trồng 3 ha cây chanh leo, 1 ha chè Kim Tuyên. Sau 5 tháng trồng, chanh leo đã bắt đầu cho thu hoạch, ngay vụ đầu tiên đã đủ chi phí làm giàn, mua cây giống, phân bón, thuê nhân công… Riêng năm 2018, gia đình anh thu được hơn 60 tấn quả chanh leo, bán với giá trung bình 25 – 30 nghìn đồng/kg, đã mang lại cho gia đình anh trên 1 tỷ đồng. Bước vào vụ chanh leo năm nay, gia đình anh đã thu được hơn 20 tấn quả. Ngoài ra, 1 ha chè Kim Tuyên đang cho sản lượng 6 tấn chè búp tươi/năm, trừ chi phí, mỗi năm thu khoảng 50 triệu đồng; trồng 3 ha cây gỗ dổi, dưới tán trồng sa nhân và trồng thêm các loại cây ăn quả, như: bưởi, cam, bơ, mắc ca, sơn tra… Dự kiến trong năm 2019, gia đình anh tiếp tục đầu tư trồng thêm 15 ha cây mắc ca xen với đàn hương trắng, cây mận hậu, hồng giòn và cây đào, hiện đã đào hố xong; mở rộng thêm diện tích trồng dổi, dưới tán trồng sa nhân lên thành 6 ha; trồng cây gáo vàng 4 ha và 1 ha cây sa chi… Từ mô hình kinh tế của gia đình Chủ tịch Quàng Văn Xiến đã tạo sức lan tỏa, các bí thư, trưởng các bản cũng mạnh dạn thực hiện trước để bà con học hỏi kinh nghiệm làm theo. Riêng ở bản Kiểng, anh Xiên đã tạo điều kiện, giúp đỡ về kỹ thuật, giống cho 14 hộ trồng chanh leo, với tổng diện tích 7,5 ha.

Rời bản Kiểng đi trên những con đường bê tông phẳng phiu đến bản Huổi Cả, nơi đây bà con đang hối hả trong vụ sản xuất. Trưởng bản Lò Văn Chơ cho biết: Học tập mô hình phát triển kinh tế của Chủ tịch xã, đến nay, tất cả 66 hộ dân của bản Huổi Cả đều trồng chè, với tổng diện tích là 30 ha, giúp bà con có thu nhập ổn định, bền vững. Còn gia đình tôi đã chuyển đổi 1,5 ha đất trồng ngô, sắn sang trồng chè, hiện đã cho thu hoạch với năng suất 10 tấn chè búp tươi/ha/năm, giá bán 7.000 đồng/kg; 1 ha chanh leo, vừa cho thu hoạch hơn 7 tấn quả, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, gấp 5-7 lần so với trồng ngô. Trao đổi thêm được biết: nếu như năm 2014, xã Mường É có hơn 817 ha trồng ngô, sắn thì đến nay chỉ còn 350 ha, thay vào đó là các loại cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Hiện, toàn xã Mường É có đã có hơn 108 ha cà phê, năng suất 40 tấn/ha; 202 ha chè, năng suất 80 tạ/ha; 41,8 ha chanh leo, năng suất 70 tạ/ha; gần 62 ha cây bơ trồng sen cây cà phê; 28 ha sa nhân; 35 ha cây mắc ca…

Nhân dân xã Mường É thu hái chè.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi đúng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Mường É. Để giúp người dân phát triển kinh tế bền vững, Chủ tịch Quàng Văn Xiến đang tiếp tục cùng với cấp ủy, chính quyền xã khuyến khích, vận động các hộ dân sản xuất sản phẩm nông sản sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, để đảm bảo đầu ra ổn định, xã liên kết với các Công ty, HTX bao tiêu sản phẩm nông sản cho bà con; đồng thời vận động các hộ xây dựng mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết, hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản, giúp nông dân cải thiện thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và duy trì bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

Chia tay Mường É, hình ảnh những đồi chè, vườn cây ăn quả, những con đường bê tông sạch đẹp như níu chân chúng tôi. Tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự cố gắng của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là việc phát huy vai trò của người đứng đầu như Chủ tịch xã Quàng Văn Xiến sẽ làm cho Mường É ngày càng phát triển.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới