Những năm qua, phong trào trồng rừng, giữ rừng ở xã Long Hẹ (Thuận Châu) đang ngày càng có sức lan tỏa, rộng khắp. Điển hình cho phong trào trồng rừng và giữ rừng nơi đây là đảng viên Cà Văn Khẹt, 51 tuổi, dân tộc Kháng, Trưởng bản Nông Cốc B.
Gia đình ông Cà Văn Khẹt khai hoang ruộng nước.
Xuất phát từ trung tâm xã Long Hẹ, vượt hơn 25 km đường quanh co, qua những cánh rừng xanh thẳm, chúng tôi tìm đến nhà Trưởng bản Nông Cốc B Cà Văn Khẹt. Qua câu chuyện được biết, ông là con thứ ba trong gia đình có 6 anh em. Năm 25 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi đang làm Trưởng bản Nông Cốc B; năm 1988, ông lập gia đình. Ngày đó, cuộc sống của gia đình ông Khẹt và các hộ dân trong bản, trong xã vất vả lắm, bởi chưa xác định được cây trồng, vật nuôi phù hợp. Năm 2000, khi Nhà nước thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng (theo Dự án 661), nhằm tạo động lực kinh tế khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là các gia đình sống dựa vào rừng, lúc này, ông Khẹt vừa là Trưởng bản vừa là đảng viên trẻ nhất bản đã mạnh dạn đăng ký trồng 2 ha rừng thông. Ông chuyển từ trung tâm xã vào bản Nông Cốc B để thuận cho việc trồng rừng; dành hết thời gian để chăm sóc, bảo vệ những cây non mới trồng; hướng dẫn thành viên trong gia đình phát dọn, làm đường băng cản lửa những chỗ xung yếu; tuyên truyền, vận động dân bản nâng cao ý thức bảo vệ rừng, không khai thác, chặt phá rừng bừa bãi; nhất là dùng lửa cẩn thận, tránh gây cháy rừng tự nhiên, lan đến rừng trồng.
Ông Khẹt kể lại: Lúc đầu trồng rừng khó khăn lắm, gia đình thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, tìm ra nguồn thu khác trong khi chờ diện tích rừng cho thu hoạch. Gia đình đã đào 1 ao cá rộng 0,3 ha; khai hoang 0,5 ha ruộng nước; đây cũng là nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống và có thêm vốn đầu tư trồng rừng. Từ 2 ha rừng thông ban đầu, đến nay, gia đình đã phát triển lên 13 ha, trong đó có 2 ha trồng từ những năm đầu đã cho thu hoạch 100 khối gỗ, thu 220 triệu đồng.
Nhận thấy điều kiện khí hậu mát mẻ, rất thuận lợi để trồng và phát triển cây sơn tra, ông đã tìm hiểu, nghiên cứu tìm tòi học hỏi kinh nghiệm và đưa cây sơn tra vào trồng 5 ha thay cho cây ngô, cây sắn trồng trên đất dốc không có hiệu quả. Đây là cây trồng đa mục tiêu vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa có tác dụng phát triển, tái tạo rừng. Năm 2017, 5 ha cây sơn tra trồng được 4 năm đã cho bói quả, thu hoạch gần 8 tấn, lãi 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn tận dụng diện tích bìa rừng, đất xung quanh nhà trồng 0,4 ha cỏ voi, chăn nuôi 30 con trâu bò, mỗi năm bán 8 con, tổng thu nhập của gia đình đạt trên 450 triệu đồng.
Ngoài tiên phong trong phát triển kinh tế, ông còn là trưởng bản tận tâm với công việc, gần dân, trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, các hoạt động của bản. Với cương vị là Trưởng bản, Phó Bí thư Chi bộ bản Nông Cốc B, ông đã chỉ đạo phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên phụ trách theo lĩnh vực. Trong đó, đảng viên phụ trách về văn hóa, xã hội phải thường xuyên chăm lo, kiểm soát tỷ lệ học sinh của bản đến lớp, nếu em nào bị đau ốm thì đến động viên, thăm hỏi; theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhắc nhở các bậc cha mẹ đưa con đi tiêm chủng đầy đủ. Đảng viên phụ trách kinh tế chịu trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt cho bà con... Nhận thấy việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của các gia đình trong bản còn hạn chế; nhiều gia đình còn duy trì lối canh tác lạc hậu, chưa thực hiện phương pháp canh tác mới; ông đã đến từng nhà tuyên truyền, vận động bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đặc biệt tích cực vận động nhân dân hưởng ứng tham gia công tác trồng, bảo vệ rừng tại địa phương. Theo gương ông Khẹt, bản Nông Cốc B bây giờ đã khoanh nuôi bảo vệ 138 ha rừng tự nhiên; 300 ha rừng thông đến tuổi khai thác, 200 ha sơn tra bắt đầu cho thu hoạch, duy trì phát triển đàn trâu, bò hơn 1.500 con...
Ông Cà Văn Châu, một trong những hộ nghèo của bản Nông Cốc B được ông Khẹt giúp đỡ, cho biết: Trước đây nhà tôi nghèo lắm, được ông Khẹt cho nuôi rẽ 1 con bò sinh sản, nay đã đẻ được 2 con. Nhà không có vốn trồng rừng, ông cho cây giống và trực tiếp hướng dẫn cách trồng, nay 4 ha rừng thông nhà tôi đang phát triển tốt, còn 1 ha sơn tra năm nay đã bói quả, đến cuối năm là có lứa sơn tra đầu tiên để bán, cuộc sống bây giờ đã khác xưa nhiều rồi.
Ông Thào A Của, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Hẹ nói: Trưởng bản Cà Văn Khẹt là một trong những người có uy tín của xã luôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con, giáo dục con cháu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; luôn sát sao, quan tâm đề đạt nguyện vọng chính đáng của người dân với cấp ủy, chính quyền. Bên cạnh đó, ông Khẹt luôn gương mẫu trong các phong trào thi đua yêu nước, tiên phong trong phát triển kinh tế, nhiệt tình giúp đỡ người dân trong bản có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống...
Với việc thực hiện nuôi trồng các loại cây, con giống phù hợp với điều kiện địa phương, mô hình kinh tế của ông Cà Văn Khẹt đang ngày càng phát triển bền vững, được bà con trong bản, trong xã học tập và làm theo. Năm 2016, ông vinh dự được về Trung ương dự gặp mặt già làng, trưởng bản có uy tín tiêu biểu. Hằng năm, gia đình ông được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, gia đình văn hóa.
Nguyễn Thư, Thanh Huyền
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!