Được nghe kể nhiều về chợ phiên Mường É (Thuận Châu) có rất nhiều sản vật đặc sản của địa phương, khiến tôi háo hức muốn đến chợ phiên Mường É. Hơn 4 giờ sáng, chúng tôi xuất phát từ ngã ba Bình Thuận, xã Phổng Lái, con đường đèo dốc quanh co uốn lượn, mây mù bao phủ, chúng tôi cảm nhận rõ cái se lạnh của của những ngày cuối thu.
Chợ phiên Mường É (Thuận Châu) phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân.
Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp những tốp xe máy lỉnh kỉnh chở hàng hóa từ khắp các nơi đổ về chợ, đến gần chợ, không khí càng trở lên náo nhiệt hơn, từ khắp các ngả đường, từng tốp các bà, các chị gồng gánh những mớ rau, bó măng, chục trứng, con gà... mang ra chợ bán. Khi trời bắt đầu sáng hẳn, cũng là lúc chợ đông vui, người mua bán nhộn nhịp.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Mường É Quàng Văn Xiến cho biết: Chợ được xây dựng năm 2006 tại trung tâm xã, với diện tích 3.000 m2, có 3 dãy nhà cấp 4, với 50 quầy hàng, được bố trí gọn gàng, ngăn nắp thành từng dãy riêng theo từng loại hàng hóa. Trước kia, khi chưa có chợ phiên Mường É, bà con trong xã thường phải xuống chợ phiên Bình Thuận, hay xuống chợ thị trấn Thuận Châu cách xa 25 km để mua bán, trao đổi hàng hóa, mất rất nhiều thời gian và công sức, từ khi có chợ đã thuận tiện hơn rất nhiều, đời sống của bà con cũng từng bước được nâng lên.
Chợ phiên Mường É họp một tuần một lần, vào ngày chủ nhật; chợ đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của bà con Mường É và các xã lân cận. Thường thì chợ họp từ hơn 5 giờ đến 9, 10 giờ sáng, nhưng vào mùa thu hoạch nông sản hay các dịp lễ, tết sẽ kéo dài đến giữa trưa. Các mặt hàng bày bán ở đây rất đa dạng và phong phú, từ quần áo, giày dép, các đồ dùng sinh hoạt, tới các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đi chợ phiên Mường É thích nhất là mua các loại đồ dùng do bà con tự làm như: chõ xôi làm bằng gỗ, ghế mây, quạt nan, mẹt, hay các sản vật đặc sản của địa phương, như: măng, rau rừng, mắc khén, gà, lợn thả rông, cá ao thịt săn chắc, thơm ngon... Tại dãy hàng thực phẩm tươi sống, tấp nập khách ra vào, lỉnh kỉnh xách những túi thịt lợn, thịt bò, cá, trứng gà, bà Hoàng Thị Xô, bản Tiên Hưng, xã Phổng Lái cho biết: Phiên chợ nào tôi cũng đi từ 5 giờ sáng, nhà cách chợ 10 km, mặc dù phải đi xa nhưng tôi rất thích đi chợ ở đây bởi thịt lợn, thịt bò, cá, gà đều của bà con tự chăn nuôi, không dùng thức ăn công nghiệp, nên thịt săn chắc, thơm ngon, hơn nữa giá cả lại phải chăng, mỗi phiên chợ tôi không chỉ mua thực phẩm cho gia đình, mà còn mua cho các con đang sống ở Thành phố. Mỗi khi gia đình có khách ở xuôi lên chơi, tôi thường lên chợ phiên mua chõ xôi, ghế mây, khăn piêu... làm quà. Tại quầy hàng giày dép, quần áo, vừa tất bật lấy đồ cho khách, ông Phạm Văn Tiến, thị trấn Thuận Châu, vừa cho biết: Tôi đã bán hàng ở chợ phiên hơn 10 năm, các mặt hàng tôi bán đều là hàng của Việt Nam, chất lượng tốt mà giá cả lại phải chăng nên bà con mua nhiều; phiên chợ nào gian hàng của tôi cũng rất đông khách. Đến chợ mua nông cụ phục vụ sản xuất, bà Lò Thị Phúc, bản Cang Kéo, xã Mường É, chia sẻ: Trước kia, muốn mua cái cuốc, cái xẻng, hay dao... cũng phải xuống tận Bình Thuận, xã Phổng Lái mất cả buổi, những người già yếu không đi được xe phải nhờ con cháu hoặc hàng xóm tiện đi chợ mua giúp; từ khi có chợ phiên Mường É đã thuận tiện hơn rất nhiều, từ nhà tôi đến chợ chỉ cách gần 2 km, hàng hóa ở đây cũng rất đa dạng, giá cả lại phải chăng nên rất dễ mua.
Khi mặt trời đứng bóng cũng là lúc sắp hết phiên chợ, từng tốp lại lỉnh kỉnh xách hàng hóa mua về từ chợ, cũng có những người chỉ rủ nhau đi chơi chợ để thư giãn cuối tuần. Còn với bà con nơi đây, chợ phiên không chỉ là nơi mua bán mà còn là nơi gặp gỡ, thăm hỏi nhau, trao đổi kinh nghiệm sản xuất.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!