Chợ phiên dưới chân đèo Pha Đin

Đi chợ phiên Bình Thuận, xã Phổng Lái (Thuận Châu), thật ấn tượng với nét đẹp riêng của chợ phiên vùng cao dưới chân đèo Pha Đin.

 

Chợ phiên Bình Thuận, xã Phổng Lái (Thuận Châu) phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân.

Chợ được xây dựng khang trang, rộng rãi; các dãy hàng được bố trí gọn gàng, ngăn nắp với đủ loại hàng hóa, đặc biệt là hàng thủ công truyền thống, nông sản của đồng bào dân tộc. Phiên chợ nào cũng nhộn nhịp người, nổi bật nhất là những phụ nữ đồng bào dân tộc Thái, Mông với trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu.

Sinh ra và lớn nên trên mảnh đất Phổng Lái, trong ký ức tôi còn nhớ, khi chưa có chợ phiên Bình Thuận, mỗi khi gia đình muốn mua các mặt hàng tiêu dùng hay nông cụ sản xuất hay muốn bán sản phẩm nông sản... đều phải xuống chợ huyện cách xa hàng chục cây số. Từ khi chợ phiên Bình Thuận được thành lập năm 1995 đến nay, bà con ở Phổng Lái và các vùng lân cận không còn phải mất thời gian, chi phí tốn kém đi chợ xa để mua đồ nữa, việc trao đổi hàng hóa cũng thuận lợi hơn nhiều. Các sản phẩm nông sản từ con gà, chục trứng, mớ rau... cũng dễ dàng được mang ra chợ bán để kiếm thêm thu nhập.

Chợ phiên Bình Thuận cách 5 ngày lại họp một phiên. Chợ đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của bà con các dân tộc trong xã và vùng lân cận. Chợ thường họp từ 4 giờ 30 đến 9 giờ sáng, vào mùa thu hoạch nông sản hay dịp lễ, tết thường kéo dài thời gian hơn, có thể đến giữa trưa. Khi mặt trời còn chưa tỏ, đã nghe thấy tiếng xe máy nổ ròn tan, lỉnh kỉnh chở hàng hóa từ khắp các nơi đổ về chợ. Mặt trời nó rạng cũng là lúc chợ đông vui, nhộn nhịp. Lúc này, bà con đồng bào dân tộc ở các bản xa mới về đến chợ. Từng tốp phụ nữ dân tộc Mông với trang phục dân tộc rực rỡ sắc màu, dân tộc Thái với váy cóm, khăn piêu từ khắp các bản trong xã và vùng lân cận về chợ. Không khí chợ nhộn nhịp người mua, người bán. Có người chỉ có chục cái măng, mấy mớ rau cũng mang đến chợ bán. Nhiều người rủ nhau đi chơi chợ, bởi chợ phiên với đồng bào các dân tộc nơi đây không chỉ là nơi mua bán mà còn là nơi gặp gỡ, thăm hỏi nhau, trao đổi kinh nghiệm sản xuất...

Trước kia, chợ được quy hoạch với diện tích 800 m2, có 1 dãy nhà 5 gian dành cho hàng quần áo, giầy dép, còn lại các mặt hàng khác đều phải bán ở ngoài. Đến năm 2016, chợ được xây dựng mới trên diện tích 3.000 m2  với 100 quầy hàng, được quy hoạch gọn gàng, ngăn nắp thành từng dãy riêng biệt theo từng loại hàng hóa. Các mặt hàng bày bán ở đây rất đa dạng và phong phú từ đồ dùng sinh hoạt, tới các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đi chợ phiên Bình Thuận thích nhất là mua những sản vật đặc sản địa phương, như: măng, rau rừng hay gà chạy đồi, lợn “cắp nách” thịt săn chắc, thơm ngon... Tại dãy hàng thực phẩm tươi sống, anh Lò Văn Thịnh, bản Noong Lào, xã Chiềng Pha (Thuận Châu) niềm nở: Gia đình có 13 con lợn, được nuôi theo phương pháp truyền thống, không chất tăng trọng nên chất lượng thịt lợn thơm và ngon. Gia đình tự mổ lợn mang ra chợ bán chỉ một lúc đã hết. Vừa tất bật lấy đồ cho khách, chị Lưu Thị Thu, bản Kiến Xương, xã Phổng Lái, cho biết: Từ 4 giờ sáng, tôi đã chuẩn bị hàng đến chợ bày bán. Các loại quần áo đều là hàng Việt Nam được rất nhiều người ưa chuộng, bởi chất lượng tốt mà giá cả phải chăng. Phiên chợ nào gian hàng của tôi cũng đông khách. Đến chợ mua đồ dùng phục vụ sinh hoạt gia đình, bà Nguyễn Thị Thanh, bản Tiên Hưng, xã Phổng Lái, chia sẻ: Trước kia, muốn mua cái xô, chậu, xoong, chảo… thường phải đi xuống chợ huyện mất thời gian cả buổi mới về, những người già yếu không đi được phải nhờ con cháu hoặc hàng xóm tiện đi chợ mua giúp. Nhưng từ khi có chợ phiên Bình Thuận đã thuận tiện hơn rất nhiều, từ nhà tôi đến chợ chỉ cách hơn 1 km; hàng hóa ở đây cũng rất đa dạng, giá cả lại phải chăng.

Lúc mặt trời chiếu rọi đỉnh núi cũng là lúc kết thúc phiên chợ đầy náo nhiệt, mỗi người mỗi ngả ra về ai nấy trên khuôn mặt đều hiện rõ vẻ phấn khởi khi trên tay cầm những món đồ mà họ đã mua được. Với những người ở gần chợ thì về kịp ngày làm việc mới, còn những người ở các bản xa, đường sá đi lại khó khăn thì kịp mang những thực phẩm mua về làm bữa ăn trưa cho cả nhà quây quần, hay mang về những nông cụ phục vụ sản xuất, tiếp tục tạo ra những sản phẩm hàng hóa để mang ra chợ phiên bán.

Nguyễn Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới