Những năm gần đây, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, xã Chiềng Bôm (Thuận Châu) đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước giảm nghèo, nâng cao đời sống.
Mô hình trồng cà phê của người dân bản Hốm, xã Chiềng Bôm.
Ông Lò Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Chiềng Bôm là xã vùng III, số hộ nghèo chiếm tới 59%. Để giảm số hộ nghèo, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các loại cây, con cho năng suất cao; cán bộ khuyến nông xã chủ động hướng dẫn nông dân sản xuất theo mùa vụ; căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và nhu cầu của nông dân để mở các lớp tập huấn, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Điển hình như ở bản Hốn, trước đây bà con chỉ trồng sắn, nay đã chuyển đổi sang trồng chanh leo và các loại cây ăn quả. Ngoài ra, xã đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể triển khai kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi; trong đó, thông qua 4 tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, đã thành lập 33 tổ tiết kiệm và vay vốn, tính đến nay, xã đã có gần 1.500 lượt hộ được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 25 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi và sự mạnh dạn trong phát triển kinh tế, đời sống sản xuất của người dân ngày càng được nâng lên, xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế mới. Hằng năm, nông dân xã Chiềng Bôm thâm canh 62 ha lúa 2 vụ, năng suất bình quân 5,6 tấn/ha; 46 ha ngô, 326 ha sắn; cả xã có trên 200 ha cây ăn quả. Bên cạnh đó, thâm canh 240 ha cà phê, trong đó 224 ha đang cho thu hoạch, năng suất trên 7 tấn/ha; tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi, trọng tâm là chăn nuôi đại gia súc theo hướng nuôi nhốt, thường xuyên kiểm tra tiêm phòng các loại dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Đến thăm gia đình anh Lò Văn Cóng, bản Hốm, trước đây, gia đình anh chủ yếu trồng ngô, thu nhập không cao, đời sống bấp bênh. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội, gia đình anh đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cà phê, với 5 ha hiện cho thu hoạch bình quân trên 40 tấn quả/năm. Bên cạnh đó, gia đình còn làm ao nuôi cá với diện tích gần 2.000 m²; duy trì nuôi 7 con trâu, bò, vượt lên khó khăn gia đình anh đã phát huy đồng vốn vay làm kinh tế thành công, đem lại thu nhập ổn định. Cũng nhờ nguồn vốn vay, gia đình anh Đoàn Văn Trưởng, ở bản Nhộp, đang nuôi trên 3.000 con vịt cổ xanh, mỗi ngày thu 1.300-1.400 quả trứng. Anh Trưởng cho biết: Năm 2010, tôi đã tận dụng khu đất ngập nước cạnh suối Nhộp làm trang trại nuôi vịt, ban đầu chỉ dám nuôi vài trăm con vịt giống. Thấy hiệu quả, năm 2011, tôi đã vay 450 triệu từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện để phát triển đàn vịt, nhờ mô hình nuôi vịt này mà đời sống gia đình thoát nghèo. Mỗi năm, thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng từ bán giống và trứng.
Có thể nhận thấy, từ việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, cùng với tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở phục vụ đời sống và sản xuất, đã góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở Chiềng Bôm. Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi để bà con thay đổi tư duy trong sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nhanh số hộ nghèo.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!