Chiến thắng Điện Biên Phủ trong kí ức của người lính thông tin

Trong những ngày này, khi cả nước đang kỷ niệm 65 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với cựu chiến binh Nguyễn Văn Bể, sinh năm 1930, ở bản Máy Đường, xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Bể trò chuyện với phóng viên.

Sinh ra và lớn lên ở xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, ông Bể nhập ngũ năm 1951, được phân công làm lính thông tin thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 (đơn vị chủ lực đánh chiếm cứ điểm Đồi A1). Tuy không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng người lính thông tin như ông có vai trò rất quan trọng. Với nhiệm vụ của người lính thông tin, ông được trang bị 1 máy bộ đàm, thường xuyên đi theo Tiểu đoàn trưởng, tất cả các lệnh và chỉ thị của Tiểu đoàn trưởng đều được ông truyền đi nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm bí mật để các đại đội triển khai chiến thuật, phương án tác chiến.

Ký ức về Chiến dịch Điện Biên Phủ, với ông trận đánh Đồi A1 là khó khăn, ác liệt nhất. Bởi đây là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong hệ thống phòng tuyến 5 quả đồi phía Đông bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh. Tại đây, địch bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự, trận địa kiên cố, vững chắc. Ông Bể bồi hồi nhớ lại: Vào sáng ngày 6 tháng 5 năm 1954, đồng chí Tiểu đoàn trưởng Dũng Chi phổ biến cho cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị rằng: Đêm nay, Sư đoàn ta được lệnh đánh Đồi A1, trận đánh này sẽ rất ác liệt, cho nên tất cả cán bộ, chiến sỹ trong Tiểu đoàn phải nêu cao tinh thần dũng cảm, chiến đấu để tiêu diệt quân địch. Khi nào các đồng chí nghe thấy tiếng bộc phá của ta nổ, tất cả ngồi trong hầm đều phải ngoảnh mặt ra ngoài để tránh sức ép của bộc phá, sau đó nếu được lệnh, ta sẽ tiến chiếm Đồi A1.

Khoảng 3 giờ chiều ngày 6 tháng 5, tất cả các loại pháo của ta ở các trận địa bắn dồn dập vào Đồi E, Đồi C1, Đồi Châu Úm và một số đồi ở xung quanh Đồi A1, 5 giờ chiều pháo của ta tiếp tục bắn vào sân bay Điện Biên Phủ, vào trận địa pháo Hồng Cúm (trận địa to nhất). Đến 20 giờ 30 phút, thì bộc phá của ta nổ, khi đó Tiểu đoàn của tôi nằm ở Đồi Cháy cách nơi bộc phá nổ khoảng 500-600 mét. Sau tiếng nổ của khối bộc phá trên Đồi A1, Tiểu đoàn được lệnh xung phong, tuy nhiên khi tiến chiếm Đồi A1, lực lượng của ta bị pháo Hồng Cúm của địch bắn lên dồn dập khiến nhiều cán bộ, chiến sỹ bị hy sinh và thương vong, rất khó khăn trong việc tiếp cận quân địch... Thế rồi, khi quân ta phản pháo dồn dập, áp đảo pháo Hồng Cúm của địch thì Tiểu đoàn tiến lên chiếm được Đồi A1, đơn vị chúng tôi làm chủ Đồi A1 cho đến khi toàn thắng.

Với ông Bể, khoảnh khắc nhớ nhất tại Chiến dịch Điện Biên Phủ là khi đơn vị ông tiêu diệt xong cụm cứ điểm trên Đồi A1, nhiều binh lính địch kéo cờ trắng lên hàng, ông gọi bộ đàm báo cho Tiểu đoàn trưởng Dũng Chi. Khi đó, địch bắt sóng bộ đàm của ông, xin đề nghị ra hàng trật tự, ông đã hướng dẫn chúng làm theo mệnh lệnh của quân ta, lần lượt ra hàng, sau khi bắt hết tù binh, anh em trong đơn vị rất phấn khởi, nhảy lên hò reo ăn mừng, thời khắc đó, không bao giờ quên với ông và những người lính từng tham gia trận đánh này...

Kể đến đây, giọng của ông Bể trùng xuống bùi ngùi: Thắng lợi lẫy lừng là vậy, nhưng cán bộ chiến sỹ của ta cũng hy sinh nhiều. Tôi cũng đã gần như cận kề cái chết, đó là sau khi bộc phá nổ, Tiểu đoàn tôi được lệnh xung phong đánh chiếm Đồi A1, trong đợt tiến công này, ta với địch giành giật nhau từng tấc đất. Khi xung phong xông lên chiếm điểm cao, địch tập trung hỏa lực bắn xối xả, một đồng đội cùng tổ đã hy sinh ngay trước mắt tôi, nén đau thương, tôi và các đồng đội tiếp tục tiến lên làm nhiệm vụ.

Sau khi hòa bình lập lại, trở về với cuộc sống đời thường, ông Bể luôn phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tinh thần của người “Chiến sỹ Điện Biên”, nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp tục công tác, lao động sản xuất, nuôi dạy con cháu trưởng thành. Và những ký ức về những năm tháng không thể nào quên đó vẫn sống mãi trong lòng ông, để mỗi khi có dịp, cựu chiến binh Nguyễn Văn Bể vẫn tham gia các buổi gặp gỡ, giao lưu, kể chuyện lịch sử, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới