Tôi vừa tham dự Lễ phát động Chiến dịch điểm “Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ) đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn năm 2019” của tỉnh được tổ chức tại xã Nậm Lầu (Thuận Châu). Chuyến đi này đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng về sự nhiệt huyết, nỗ lực của những cán bộ làm công tác dân số, góp phần nâng cao nhận thức và cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ cho người dân vùng khó khăn.
Cán bộ Trạm Y tế xã Nậm Lầu phát tờ rơi tuyên truyền công tác dân số-KHHGĐ cho người dân trong Chiến dịch.
Từ thành phố Sơn La, đoàn chúng tôi xuất phát theo hướng quốc lộ 6 lên Thuận Châu. Trên chuyến xe của đoàn cán bộ Sở Y tế, câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất là việc triển khai công tác CSSKSS/KHHGĐ đến với bà con vùng khó khăn. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, để tổ chức Chiến dịch, những cán bộ ngành y tế, đặc biệt là đội ngũ làm công tác dân số đã khởi động cách đây nhiều ngày. Đó là việc chuẩn bị cơ sở vật chất, các trang thiết bị y tế, cơ sở thuốc...; ra quân tổ chức tuyên truyền, kêu gọi, vận động đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ từ 15-49 tuổi thực hiện KHHGĐ và hưởng ứng Chiến dịch.
Ông Trần Trọng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế nói: Chiến dịch năm nay nhất định phải có bước đột phá, để đạt được mục tiêu thay đổi căn bản và nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân đối với công tác dân số. Đồng thời, cung cấp các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ chất lượng cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong toàn tỉnh.
Do chúng tôi xuất phát sớm nên làn sương mù dày đặc trên tuyến đường từ trung tâm huyện vào xã, cùng với những khúc cua tay áo khiến chuyến đi có phần khó khăn hơn. Dù vậy, câu chuyện trong xe vẫn luôn rôm rả và tôi biết được lý do Nậm Lầu được chọn làm địa điểm tổ chức Chiến dịch điểm của tỉnh năm 2019. Nậm Lầu là xã vùng 3 nhiều khó khăn, nhận thức của người dân về công tác dân số - KHHGĐ còn hạn chế. Đây cũng là xã có mức sinh cao, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống và mất cân bằng giới tính khi sinh diễn biến phức tạp. Mọi người trên xe đều hy vọng đợt này sẽ thu hút được đông đảo người dân tham gia Chiến dịch, thụ hưởng các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ, từng bước thay đổi hành vi dân số, hướng đến nâng cao chất lượng dân số của xã. Và ai cũng cho rằng, Chiến dịch điểm tổ chức tại Nậm Lầu thành công sẽ là khởi động tốt cho Chiến dịch ở các xã khó khăn trên 11 huyện, thành phố còn lại.
Dù đã được thông báo là 8 giờ khai mạc Chiến dịch, nhưng mới hơn 7 giờ, trong tiết trời lại se lạnh và mưa phùn, đã có rất đông người dân, đoàn viên thanh niên, các em học sinh, đông nhất là phụ nữ, người dắt trẻ, người địu em bé trên lưng tiến về phía trụ sở xã - nơi tổ chức Lễ phát động. Hòa trong không khí đó, các cán bộ dân số cùng lực lượng đoàn viên thanh niên nhanh chóng sắp xếp, ổn định tổ chức. Lễ phát động năm nay không đọc báo cáo mà được tổ chức với hình thức lồng ghép nội dung công tác dân số - KHHGĐ trong những câu chuyện đời thường về hậu quả của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, của việc mất cân bằng giới tính khi sinh, về những phương pháp CSSKSS/KHHGĐ hiện đại... Những câu chuyện đó được hầu hết mọi người hào hứng lắng nghe, một số phụ nữ trẻ thì đỏ mặt vì “xấu hổ”.
Hỏi chuyện chị Lò Thị Tâm, bản Nà Nọi, chị rụt rè: Gia đình tôi có hai cháu gái, cháu đầu không may bị khuyết tật do đẻ non. Gia đình muốn sinh thêm con trai để có người làm trụ cột và nối dõi cho dòng họ. Tuy nhiên, hôm nay đến đây, được cán bộ tuyên truyền và được trao đổi, chia sẻ với các chị em khác, tôi nhận thấy không nên sinh thêm con nữa, vì việc nuôi dưỡng và chăm sóc cho 2 con hiện tại đã khá vất vả, nhất là cháu bé bị khuyết tật. Tôi sẽ bàn bạc lại với chồng về việc này để không sinh thêm con nữa. Qua chia sẻ của chị, chúng tôi hiểu được phần nào nguyên nhân của một bộ phận người dân muốn sinh con thứ 3 và cũng hiểu thêm được ý nghĩa của việc tổ chức Chiến dịch.
Ngay sau Lễ phát động đã diễn ra diễu hành hưởng ứng Chiến dịch, với sự tham gia của những người tham dự. Nổi bật trong đoàn diễu hành là màu áo xanh tình nguyện của ĐVTN trong xã. Điều đó cho chúng tôi cảm nhận thấy rằng, tuổi trẻ Nậm Lầu đã có nhận thức tốt về công tác dân số - KHHGĐ. Khi về Trạm Y tế xã, chúng tôi thấy rất đông những cô gái tuổi đôi mươi mới xây dựng gia đình và những phụ nữ lớn tuổi hơn, tất cả đang xếp hàng chờ được khám phụ khoa và được cung cấp các dịch vụ KHHGĐ, như đặt dụng cụ tử cung, thuốc cấy tránh thai, thuốc tiêm tránh thai, thuốc uống tránh thai, khám phụ khoa, thuốc điều trị phụ khoa, bao cao su miễn phí... Trong suốt quá trình diễn ra khám và cung cấp dịch vụ, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số liên tục tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: Trình chiếu video clip, phát tài liệu, tạp chí chuyên đề dân số-KHHGĐ, nói chuyện, chia sẻ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân... Phía ngoài sân, có mấy phụ nữ đang trao đổi với nhau chọn biện pháp tránh thai hiện đại phù hợp; cách giữ vệ sinh để tránh lây nhiễm bệnh đường tình dục... Đã quá giờ cơm trưa mà người đợi khám, đợi để thực hiện biện pháp tránh thai còn khá đông, nên cán bộ, nhân viên y tế vẫn tiếp tục công việc, dường như quên cả thời gian. Với sự nhiệt tình của cán bộ y tế và sự hưởng ứng tích cực của người dân trong xã, nên trong 4 ngày diễn ra Chiến dịch, đã có 60 người thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại; 453 phụ nữ được khám phụ khoa; trên 1.000 người được tuyên truyền về công tác dân số-KHHGĐ...
Được tham gia Chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn năm 2019” với các cán bộ y tế, giúp tôi thêm hiểu về công việc của các anh, các chị, những người đã và đang nỗ lực giúp người dân vùng cao chuyển đổi hành vi dân số. Tin rằng, qua thành công của Chiến dịch điểm tại xã Nậm Lầu, Chiến dịch năm 2019 tại 99 xã có mức sinh cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh sẽ đạt được những kết quả như mong đợi, góp phần đạt được mục tiêu về chất lượng dân số trong vùng khó khăn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!