Đến trường THCS Nậm Lầu (Thuận Châu) đúng vào giờ ăn trưa của các em học sinh, chứng kiến các thầy cô giáo, nhân viên nấu ăn tất bật chuẩn bị bữa cơm, học sinh xếp hàng thứ tự nhận những phần cơm nóng hổi, khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng.
Bữa ăn của học sinh bán trú Trường THCS Nậm Lầu (Thuận Châu)
Tìm hiểu được biết, bắt đầu từ năm học 2015- 2016, sau khi vận động phụ huynh dựng khu nhà bếp rộng 300 m2, Trường THCS Nậm Lầu đã tổ chức nấu ăn cho các em học sinh bán trú (Trước đó phải nhờ cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trường Tiểu hoc Nậm Lầu). Để việc tổ chức nấu ăn bán trú đạt hiệu quả, nhà trường đã thành lập Ban Quản lý bán trú, phân công lịch trực hàng ngày, hàng tuần cho từng thành viên trong Ban, với các nhiệm vụ: đảm bảo an ninh trật tự, hướng dẫn các em ôn bài, tập luyện thể dục thể thao, chăm sóc cây xanh, tăng gia trồng rau...
Dẫn chúng tôi đi thăm khu bếp ăn của nhà trường, thầy Nguyễn Văn Bình- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nay, trường có 3 dãy lớp học với hơn 20 phòng học được kiên cố hóa, 2 sân chơi và 1 nhà bếp, chưa có phòng ngủ nên học sinh bán trú phải ngủ nhờ ở trường tiểu học. Năm học 2017- 2018, nhà trường có hơn 400 học sinh, trong đó có gần 150 em học sinh bán trú. Theo quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, đầu năm học, nhà trường đã được hỗ trợ 30 triệu đồng để mua đồ dùng học tập, sinh hoạt. Và theo chế độ mỗi em được hỗ trợ tiền ăn là 520 nghìn đồng/tháng. Với số tiền đó, nhà trường đã tổ chức 3 bữa/ngày với chế độ dinh dưỡng đảm bảo.
Để có những bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, việc lựa chọn, chế biến thực phẩm luôn được nhà trường chú trọng. Trao đổi với chị Lò Thị Yển, nhân viên nấu ăn của Trường THCS Nậm Lầu được biết: Hiện nay, nhà bếp có 3 nhân viên nấu ăn, để chuẩn bị 150 suất ăn mỗi bữa, chúng tôi phải có mặt ở trường từ lúc 7 giờ. Đầu tiên là nhận và kiểm tra thực phẩm, sau đó là sơ chế và chế biến món ăn, cuối cùng là chia khẩu phần ăn cho các cháu. Cả 3 khâu đều có sự tham gia giám sát của phòng y tế học đường. Sau khi chia khẩu phần ăn cho các cháu, chúng tôi phải lưu mẫu thành phẩm trong vòng 24 giờ để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tìm hiểu được biết thêm, để có nguồn thực phẩm phong phú, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà trường đã ký hợp đồng với một cửa hàng cung ứng thực phẩm có uy tín với các thực phẩm chủ yếu là thịt lợn, thịt gà, lạc, đậu phụ... Ngoài ra, nhà trường còn cải tạo diện tích đất trống để làm vườn trồng rau xanh, cải thiện bữa ăn hàng ngày. Là một trong những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà có đến 7 anh chị em, em Mùa A Bó, lớp 9A, Trường THCS Nậm Lầu chia sẻ: Nhà em ở bản Ban, cách trường 25 km, đi bộ mất cả 1 ngày, từ khi được ăn cơm bán trú tại trường em được ăn ngon, ăn no, buổi chiều có thêm thời gian ôn bài, buổi tối còn được thầy cô phụ đạo thêm, em cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng thầy cô và thực hiện ước mơ sau này trở thành thầy giáo.
Qua 2 năm thực hiện, mô hình bếp ăn bán trú của Trường THCS Nậm Lầu việc ăn, ở bán trú của các em học sinh đi vào nền nếp, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, các em phấn khởi đi học đều khiến tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể từ 1,5% xuống còn 0,25%, mỗi năm tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng từ 5% - 10%. Càng mừng hơn đối với thầy và trò nhà trường khi Trường THCS Nậm Lầu chuẩn bị được xây dựng nhà ở cho học sinh bán trú, đây sẽ là điều kiện tốt về cơ sở vật chất để thầy và trò nhà trường tiếp tục thực hiện tốt công tác giảng dạy và học tập.
Thủy Tiên (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!