Cây trồng mới trên đất Phổng Lập

Để khai thác tiềm năng đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, những năm gần đây, xã Phổng Lập (Thuận Châu) đã tuyên truyền, vận động người dân đưa cây chè vào trồng và bước đầu đã đem lại thu nhập cho người dân trong xã.

 

Cán bộ khuyến nông xã Phổng Lập hướng dẫn người dân chăm sóc cây chè.

Phổng Lập là xã vùng 3 của huyện Thuận Châu, xã có trên 2.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, đất đai chủ yếu là đồi núi dốc. Trước đây, nông dân trong xã chỉ trồng cây sắn, ngô, lúa nương, đất đai bạc màu, năng suất, hiệu quả kinh tế không cao, dẫn đến đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, đây là bài toán khó của cấp ủy, chính quyền xã trong việc vận động, tuyên truyền bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác tiềm năng lợi thế đất đai. Sau khi nghiên cứu bàn bạc và học tập mô hình trồng chè ở xã Phổng Lái, Chiềng Pha; năm 2014, Đảng bộ xã đã ra nghị quyết đưa cây chè vào trồng. Khi bắt tay vào thực hiện chủ trương trồng cây chè đã gặp nhiều khó khăn, do tập quán canh tác lâu đời của người dân chủ yếu trồng lúa, ngô có thu hoạch ngắn ngày, còn cây chè phải mất vài năm mới cho thu hoạch. Hơn nữa, bà con còn lo lắng về đầu ra, giá sản phẩm... nên không muốn chuyển đổi đất nương sang trồng chè. Mặt khác, cây chè cần có đầu tư, công chăm sóc và khoa học kỹ thuật. Trước thực trạng đó, xã đã cử cán bộ phối hợp với các đoàn thể và cơ quan chuyên môn huyện xuống từng bản họp, tuyên truyền, vận động nhân dân, tổ chức cho một số hộ dân tham quan, học tập các mô hình trồng chè thâm canh có năng suất cao ở một số địa phương trong huyện. Giải thích thấu đáo những băn khoăn, thắc mắc của bà con về lợi ích sau khi cây chè cho thu hoạch. Đồng thời, tận dụng các chương trình, dự án tập trung đầu tư xây dựng mô hình để bà con được tận mắt thấy lợi ích từ việc trồng chè.

Đồng chí Lường Văn Thuật, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đưa cây chè vào trồng theo hướng khai thác tiềm năng địa phương, như đất đai, lao động, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó, tác động đến nhận thức của nhân dân trong việc xóa bỏ tập quán canh tác cũ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Từ năm 2015 đến nay, đã có 80 hộ dân bản Kè và bản Nà Ban trồng trên 50 ha giống cây chè LPD1. Giống chè được nông dân trong xã áp dụng đúng kỹ thuật, nên phát triển tốt, phù hợp với đất đai khí hậu trong xã, năng suất đạt cao, giá thành ổn định, bà con rất yên tâm phát triển cây chè.

Chúng tôi đến bản Kè, một trong những bản có diện tích trồng chè nhiều nhất xã. Dọc hai bên đường là những đồi chè xanh mướt. Ông Lường Văn Hà, Trưởng bản Kè nói: Bản có 54 hộ, với 100% là dân tộc Thái sinh sống. Được cán bộ huyện, xã xuống tuyên truyền, bà con trong bản cũng đồng tình ủng hộ chủ trương trồng chè của xã; năm 2015, bản được Chương trình 135 hỗ trợ trồng hơn 20 ha giống LPD1; được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, cây chè ở bản phát triển tốt, sau hơn 1 năm đã cho thu hoạch. Đến nay, 100% hộ dân trong bản đã trồng được hơn 30 ha, trong đó 20 ha đã cho thu hoạch, sản lượng gần 100 tấn/năm; thu nhập hơn hẳn cây ngô, cây sắn. Trước hiệu quả của cây chè, năm nay, bà con trong bản đăng ký trồng thêm 12 ha.

Từ việc vận động, tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền xã và hiệu quả mô hình hỗ trợ người dân trồng chè của các chương trình, đến nay, nông dân trong xã đã nhân rộng và phát triển gần 100 ha chè, tập trung tại các bản Nà Ban, bản Kè, Nà Lềm, Mầu Xá, Kéo Sáo, Lùa, Lọng Dốm, Huổi Ít, Mầu Thái, Pá Sàng, Nghịu..., trong đó, 60 ha cho thu hoạch, năng suất 5 tấn chè búp tươi/ha; sản lượng gần 300 tấn/năm; người dân thu hái đến đâu thương lái đến thu mua tại nương, trừ chi phí thu lãi gần 40 triệu đồng/ha.

Cây chè đã bám rễ và phát triển tốt trên vùng đất dốc ở Phổng Lập. Người dân nơi đây tin rằng, đây là cây trồng hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao, giúp bà con trong xã xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới