Được giới thiệu, chúng tôi đến HTX bản Nặm Búa, xã Long Hẹ (Thuận Châu), là HTX có diện tích cây sơn tra nhiều nhất xã Long Hẹ để tận mắt thấy những vạt đồi trồng cây sơn tra đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy là HTX đầu tiên được thành lập ở xã vùng cao, nhưng mô hình trồng cây sơn tra ở HTX bản Nặm Búa đã bước đầu có hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế cho bà con nơi đây.
Xã viên HTX bản Nặm Búa, xã Long Hẹ (Thuận Châu) chăm sóc rừng cây sơn tra.
Anh Thào A Hồng, Giám đốc HTX bản Nặm Búa chia sẻ: Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để cây sơn tra sinh trưởng, phát triển tốt, những năm gần đây, xã Long Hẹ lựa chọn sơn tra làm cây trồng chủ lực, xóa nghèo bền vững cho người dân; vừa là cây trồng đa mục tiêu mang lại hiệu quả kinh tế, vừa có tác dụng phát triển, tái tạo rừng. Với mục tiêu để cây sơn tra phát triển bền vững, tháng 3/2017 HTX bản Nặm Búa ra đời. Lúc đầu HTX còn gặp nhiều khó khăn do người dân chưa hiểu hết giá trị kinh tế của việc trồng rừng bằng cây sơn tra; diện tích rừng trồng cây sơn tra của HTX lại nằm xen kẽ với nương ngô, lúa của người dân nên rất khó quản lý và bảo vệ. Các thành viên của HTX phải đi từng gia đình vận động, tuyên truyền để người dân hiểu và góp đất, góp vốn mở rộng diện tích cây sơn tra.
Tìm hiểu được biết, khi mới thành lập HTX chỉ có 10 thành viên, diện tích sơn tra mới chỉ có 5ha, HTX đã tổ chức thành các nhóm sản xuất bao gồm các thành viên có diện tích sản xuất gần nhau để tiện lợi cho việc hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm giữa các hộ, cử các thành viên nhiều kinh nghiệm đến hỗ trợ kỹ thuật cho các nhóm. Đặc biệt, nhiều thành viên HTX là ĐVTN trong xã vừa tốt nghiệp ở các trường cao đẳng, đại học nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, các vướng mắc phát sinh trong quá trình sản xuất đều được HTX chủ động giải quyết. “Tiếng lành đồn xa” chỉ sau 1 năm đi vào hoạt động, đến nay, HTX đã phát triển lên 122 thành viên của nhiều bản trong xã Long Hẹ (97% thành viên là đồng bào dân tộc Mông, Thái và Kháng), hiện đang là HTX có diện tích trồng cây sơn tra lớn nhất của huyện Thuận Châu, với diện tích 177 ha, trong đó đã 79 ha cho thu hoạch. Năm 2017, sản lượng thu hoạch sơn tra của HTX khoảng 59 tấn, thu gần 600 triệu đồng/năm.
Là thành viên của HTX bản Nặm Búa, ông Thào A Dơ, bản Co Nhừ, xã Long Hẹ phấn khởi nói: Gia đình tôi có 10 ha cây sơn tra, tham gia HTX được hướng dẫn kỹ thuật tỉa cành tạo tán, khống chế chiều cao cho cây, việc chăm sóc và thu hoạch của gia đình trở nên dễ dàng hơn nhiều so với trước đây, vì vậy năng suất tăng qua các năm. Vụ thu hoạch vừa qua, gia đình ông thu được trên 20 tấn quả; với giá dao động từ 6.000-15.000 đồng/kg, trừ chi phí trung bình mỗi năm thu gần 150 triệu đồng.
Thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, ngoài trồng cây sơn tra, HTX vận động các thành viên trồng xen các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu, nông sản dưới tán rừng như: thông, sa nhân, nghệ, chanh leo, xoài, ngô, sắn... Hiện nay, HTX trồng mới được 2ha cây sa nhân; gần 150ha thông; 10 ha chanh leo; 5ha xoài... Nhiều loại cây đã cho thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên HTX. Ngoài ra, HTX còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, hiện đàn trâu, bò của HTX có hơn gần 200 con. Bên cạnh đó, còn triển khai hiệu quả nhiều dịch vụ như: Cung ứng vật tư, phân bón bằng chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi... mang lại lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân mỗi thành viên 7,8 triệu đồng/tháng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 40-45 lao động địa phương. Anh Thào A Hồng, Giám đốc HTX cho biết thêm: Dù HTX mới thành lập, còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, chưa có trụ sở giao dịch, kho bãi để thu mua quả sơn tra; các hoạt động của HTX chủ yếu là chăm sóc diện tích sơn tra đã trồng từ nhiều năm trước, bởi vậy thời gian tới HTX sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực để phát triển, phấn đấu hằng năm trồng mới từ 10 đến 20 ha cây sơn tra; tiếp tục nghiên cứu đưa vào trồng các cây có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
Có thể nói, trồng rừng bằng cây sơn tra ở HTX bản Nặm Búa nói riêng, xã Long Hẹ nói chung đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, ngày càng phát triển theo hướng bền vững, góp phần giảm nghèo, cải tạo được môi trường sinh thái và tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!