Cây Sơn tra - màu xanh no ấm trên vùng cao: Kỳ 1: “Vàng” trên đỉnh núi mù sương

Cụ thể hóa các cơ chế, chính sách hỗ trợ cây giống trong triển khai các chương trình, dự án trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, giảm thiểu thiên tai, giúp người dân các xã, bản vùng cao sinh kế - sơn tra là một trong những loại cây được tỉnh lựa chọn đưa vào trồng tại địa bàn các xã vùng cao các huyện Thuận Châu, Mường La và Bắc Yên từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Trải qua gần 30 năm, cây sơn tra đã và đang mang lại sức sống mới cho vùng cao, góp phần làm giảm số hộ nghèo, tăng số hộ giàu mỗi năm, từng bước thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn, giữa vùng thấp và vùng cao.

 “Khắc tinh” của hoa anh túc

Công nhân HTX Thành Công, xã Ngọc Chiến (Mường La) chăm sóc vườn ươm cây giống sơn tra. 

Tháng 3, đúng mùa hoa sơn tra nở rộ, chúng tôi về các xã vùng cao của huyện Thuận Châu, Mường La, Bắc Yên để tìm hiểu thêm hiệu quả của cây sơn tra đối với cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông. Chuyến đi nào cũng để lại cho chúng tôi cảm nhận về sự đổi thay ở mỗi vùng, mà một trong những nguyên nhân dẫn đến những đổi thay đó bắt nguồn từ chủ trương của tỉnh về việc trồng cây sơn tra thay thế cây thuốc phiện. 

30 năm về trước, nhiều xã, bản vùng cao là “thủ phủ” của cây thuốc phiện; hủ tục lạc hậu song hành với đói nghèo “đeo bám” người dân từ mùa rẫy này đến mùa rẫy khác; tình trạng du canh du cư tự do, phá rừng làm nương trái phép diễn ra phổ biến; an ninh trật tự phức tạp… Thời điểm đó, việc tìm cây gì, con gì phù hợp để giúp đồng bào vùng cao thay đổi cuộc sống luôn là quan tâm hàng đầu của cấp ủy, chính quyền địa phương. Bởi ở vùng cao, mây mù bao phủ quanh năm, đồi đất dốc lớn, độ cao trung bình trên 1.500 m so với mực nước biển... nên không phải loại cây trồng nào cũng thích nghi được. Để có lời giải, tỉnh và các huyện đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, với sự tham gia, tư vấn của các nhà khoa học; rất nhiều phương án được đưa ra bàn thảo..., tỉnh quyết định lựa chọn cây sơn tra đưa vào trồng tại các xã vùng cao của ba huyện Thuận Châu, Mường La, Bắc Yên, vừa là trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, vừa giúp người dân phát triển kinh tế. Đặc biệt, năm 1993, Nhà nước có chính sách, chiến lược bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng vùng Tây Bắc, tỉnh ta đã xây dựng, ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng rừng và trồng cây ăn quả trên đất dốc, bao gồm cả cây sơn tra. Nhưng phải đến năm 2000, thông qua các dự án, điển hình là Dự án KFW7 phát triển lâm nghiệp, Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (Dự án 661) và năm 2011 là Chương trình bảo vệ phát triển lâm nghiệp bền vững..., cây sơn tra mới được phát triển rộng rãi ở khu vực này (các huyện khác cũng trồng từ khoảng năm 2014 trở lại đây, nhưng diện tích còn khá hạn chế). Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 57.000 ha cây ăn quả, trong đó hơn 11.000 ha cây sơn tra, sản lượng đạt trên 30.000 tấn quả.

 

Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ thăm quan kho lạnh bảo quản quả sơn tra của Công ty TNHH Bắc Sơn (Bắc Yên).

 

Từ chủ trương đúng và trúng, một số xã vùng cao ở các huyện trong tỉnh hôm nay đã mang một diện mạo mới, những nương đồi trước chỉ trồng cây ngô, cây lúa một vụ và cây thuốc phiện, thì nay được phủ kín bằng những rừng cây sơn tra xanh tốt, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh lên gần 42%. Cũng từ bán quả sơn tra, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, trở thành triệu phú vùng cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống 25,44% (năm 2018); danh sách dòng họ hiếu học được tôn vinh trong đồng bào dân tộc Mông mỗi năm thêm dài, không ít người đã và đang đảm nhiệm các vị trí chủ chốt của xã, huyện và tỉnh.

Cuộc sống mới nơi rẻo cao

Nhân dân bản Há Tầu, xã Long Hẹ (Thuận Châu) chăm sóc cây sơn tra.

 

Để tìm hiểu kỹ hơn hiệu quả kinh tế cây sơn tra mang lại, chúng tôi về bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến (Mường La), nơi sinh sống của hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Mông. Chỉ cách trung tâm xã hơn 10 km, nhưng phải hơn 1 giờ đồng hồ di chuyển bằng xe máy, chúng tôi mới đến được bản. Thời điểm này, dọc hai bên đường vào bản là sắc trắng hoa sơn tra che phủ những mái nhà lợp bằng gỗ pơ-mu đã ngả màu rêu phong, tạo nét đặc trưng chỉ có thể thấy ở Ngọc Chiến.

Anh Kháng A Của, Trưởng bản Nậm Nghẹp dẫn chúng tôi đi thăm đồi cây sơn tra của bản. Xen kẽ những cây cổ thụ đường kính to bằng một vòng tay người lớn ôm là những cây sơn tra chỉ mới vài năm tuổi. Dừng chân dưới tán cây sơn tra, anh Của kể: Trước đây, đời sống người dân trong bản khó khăn lắm, chủ yếu là trồng ngô, lúa nương và cây thuốc phiện. Năm 1993, cán bộ huyện về bản tuyên truyền chủ trương của tỉnh trồng cây sơn tra. Lúc đầu cứ nghĩ sơn tra chỉ là cây rừng, quả ăn vừa chua, vừa chát, làm gì có ai mua, vì thế nhiều người không ưng trồng. Được cán bộ giải thích những lợi ích khi trồng cây sơn tra, lại được hỗ trợ cây giống, kỹ thuật..., bà con dần nghe theo. Cũng theo anh Của, bà con dân bản hiện đang thu hái quả sơn tra trái vụ bán cho tư thương. Ở đây, những cây sơn tra trên 10 năm tuổi sẽ cho thu hoạch quả trái vụ, giá bán khoảng 10.000 đồng/kg.

 

Nhân dân bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến (Mường La) thu hái sơn tra.

 

Vụ trồng sơn tra đầu tiên, bản Nậm Nghẹp vui như trảy hội, hàng trăm đoàn viên thanh niên trong huyện tham gia vận chuyển cây giống, hướng dẫn bà con làm đất, phổ biến kỹ thuật gieo trồng. Mấy năm đầu cây chưa khép tán, cán bộ khuyến cáo bà con tận dụng trồng xen ngô, lúa và một số cây màu khác. Đến nay, cả bản hiện có 500 ha cây sơn tra, nhà trồng ít trên 2 ha, nhiều lên tới gần 20 ha. Riêng nhà anh Của hơn 10 ha, vụ vừa rồi thu hơn 100 triệu đồng tiền bán sơn tra (giá từ 5.000 - 8.000 đồng/kg). Vui hơn nữa, giữa năm 2018, tuyến đường lên bản được nâng cấp, mở rộng, tư thương đã đưa xe tải tới tận bản để thu mua quả sơn tra. Có đường đi thuận lợi, tháng 4 này, Nậm Nghẹp đăng ký với xã trồng thêm khoảng 100 ha sơn tra nữa. Cứ đà này, vụ thu hoạch tới sẽ có thêm nhiều hộ trong bản giàu lên.

Tại nương sơn tra của gia đình, bà Thào Thị Chi kể: Hồi trước, các hộ thu hái quả sơn tra và thồ bằng ngựa di chuyển mất già nửa ngày về trung tâm xã, bán cho tư thương hoặc đổi lấy một số vật dụng tiêu dùng phục vụ sinh hoạt của gia đình. Bán quả sơn tra khi ấy khó khăn lắm, giá chỉ vài trăm đồng một cân thôi, nhưng chịu khó thì nhiều hộ cũng có thêm thu nhập, không còn đói cái bụng nữa. Bây giờ thì khác, quả sơn tra bán được giá, nhiều hộ trong bản đã dựng được nhà mới, mua xe máy, tiện nghi sinh hoạt... cuộc sống khá dần lên, chẳng còn ai nghĩ đến trồng cây thuốc phiện nữa.

Chia tay bà con bản Nậm Nghẹp, chúng tôi lên bản Há Tầu, xã Long Hẹ (Thuận Châu). Đồng hành trong chuyến đi này ngoài cán bộ Ban Tuyên giáo và cán bộ Phòng NN&PTNT huyện còn có Trung tá Vừ A Của, Phó Đội trưởng Đội an ninh (Công an huyện Thuận Châu). Vừa đi anh Của vừa kể: Ra trường, tôi về nhận công tác tại Công an huyện Thuận Châu và được lãnh đạo đơn vị phân công lên làm việc tại Đồn Công an Co Mạ. Những năm 90 trở về trước, cây thuốc phiện được trồng khá phổ biến, tình hình an ninh trật tự rất phức tạp. Anh em chúng tôi tham mưu cho Đảng ủy xã thành lập các tổ công tác về các bản “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân, tuyên truyền, vận động người dân không di cư tự do, không phá rừng làm nương rẫy, không trồng cây thuốc phiện, chuyển sang trồng cây ăn quả trên đất dốc, trong đó có sơn tra... bây giờ, các anh các chị thấy đấy, các bản khác trước nhiều quá rồi, đường giao thông lên bản đã được rải nhựa, có điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, con trẻ được đến trường, hủ tục lạc hậu bị xóa bỏ...

Đến bản Há Tầu, chúng tôi nhận thấy trên những quả đồi rộng lớn bao quanh bản có nhiều cây sơn tra đang lác đác trổ bông. Trưởng bản Và A Páo cho hay, cây sơn tra ở đây thường ra hoa và cho thu hoạch quả muộn hơn so với địa phương khác chừng hơn 1 tháng. Cây sơn tra “bén duyên” mảnh đất này từ những năm 2000, khi huyện đưa cây sơn tra lên trồng thử nghiệm 6 ha. Cây sơn tra ở đây phát triển tốt lắm, chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết. Đợt băng giá, mưa tuyết hồi cuối tháng 1/2016 khiến gần 4.000 ha rừng đặc dụng Copia của Thuận Châu bị ảnh hưởng nặng nề, hàng loạt cây bị gãy đổ, bật gốc, rụng lá, chết khô, nhưng sơn tra thì vẫn phát triển tốt, cả bản hiện có 93 ha cây sơn tra.

Mặt trời đứng bóng, đồng hồ điểm hơn 12 giờ trưa, trước khi về gia đình đồng chí Chủ tịch UBND xã ăn cơm trưa, chúng tôi tranh thủ ghé thăm HTX sơn tra Nặm Búa, bản Nặm Búa mới được thành lập để bao tiêu quả sơn tra cho người dân. Trong bữa cơm hôm đó, câu chuyện được mọi người nói nhiều nhất vẫn là làm thế nào để tìm đầu ra cho quả sơn tra, tránh bị tư thương ép giá.

Nói đến sơn tra không thể không nhắc đến xã Hang Chú, huyện Bắc Yên. Hang Chú có trên 1.000 ha cây sơn tra, chiếm khoảng 50% tổng diện tích cây sơn tra của cả huyện. Những năm qua, sơn tra trở thành một trong những cây trồng đem lại thu nhập chính cho bà con trong xã. Cũng như nhiều hộ gia đình khác trong xã, anh Giàng A Chinh, bản Nậm Lộng lựa chọn sơn tra là cây trồng chính của gia đình, mỗi năm nhà anh thu nhập hàng trăm triệu đồng tiền bán quả sơn tra. Anh Chinh chia sẻ: 9/30 ha sơn tra của gia đình tôi đang cho thu hoạch. Vụ năm ngoái thu hơn 60 tấn quả đấy, trừ chi phí vẫn lãi hơn 250 triệu đồng. Để bao tiêu sản phẩm cho bà con, tháng 6/2018, chúng tôi liên kết với các hộ gia đình thành lập HTX sơn tra Nậm Lộng Hang Chú, gồm 7 thành viên, quy mô sản xuất 50 ha.

Ở đâu cũng vậy, những nơi chúng tôi đặt chân tới, cây sơn tra đã phủ kín nương đồi và trở thành cây trồng chủ lực, là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình. Cây sơn tra như luồng gió mới đã và đang thay đổi tư duy sản xuất của người dân theo hướng liên kết thành lập HTX và mang đến sức sống mới cho đồng bào vùng cao. Song, vấn đề là đến bao giờ, quả sơn tra của Sơn La sẽ xuất ngoại?

(Còn tiếp)

 

Trần Hiền - Minh Thu

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới