Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế tình trạng di dịch cư tự do

 

3 gia đình ở bản Chả Lạy A (phía bên phải) gặp chính quyền xã Co Mạ

xin trở lại quê hương sinh sống sau khi di cư tự do vào huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

 

Câu chuyện buồn về những “miền đất hứa

 

Co Mạ là một trong những xã vùng cao của Thuận Châu hiện có tình trạng di dịch cư tự do khá phức tạp. Chúng tôi có mặt ở bản Chả Lạy A, xã Co Mạ khi cả bản vẫn im lìm chìm khuất trong màn sương, chỉ thấy tiếng những con lợn chạy rông phá rào tìm ăn, đâu đó văng vẳng tiếng gà gáy eo óc. Vì đã hẹn trước nên dù còn sớm, nhưng Trưởng bản Vàng A Nếnh đã ra đón chúng tôi. Gương mặt ông hiện rõ nét trầm tư, bởi mấy tháng nay, trong bản xảy ra chuyện mà nhắc tới là thấy buồn. Ông cho biết: Nghe theo kẻ xấu, đầu năm 2019, đã có 9 hộ trong bản, hầu hết đều là các gia đình trẻ, nhất quyết rời bản đi vào tận Đắc Lắk. Ông Nếnh bảo, buồn nhất là không biết làm cách nào để khuyên bảo, ngăn cản, dù biết mười mươi bà con bị lừa dối. Cũng may, có 4 hộ bỏ đi đã quay trở lại bản, còn 5 hộ khác vẫn chưa có thông tin gì. Theo ông Nếnh: Lý do các hộ biện minh để di dịch cư thì vô vàn lắm. Nào là đến nơi định cư mới sẽ có những mảnh đất màu mỡ để gieo trồng, canh tác, vì đất nương nơi ở cũ đã bạc hết màu. Nào là chỗ ở mới khí hậu trong lành, con người khỏe mạnh, “làm một mà được ăn mười”..., chứ họ có biết bao nhiêu gia đình cùng bản, cùng xã vẫn gắn bó với nương rẫy, ngày ngày chăm chỉ gieo trồng, chăn nuôi, tích lũy, mua sắm được bao vật dụng, đồ dùng quý giá. Cuộc sống dù còn khó khăn, nhưng mảnh đất quê hương mới chính là nơi giúp cho mọi người cơm ăn, áo mặc, gắn bó họ hàng, anh em...

Nhưng không phải ai cũng nhận thức được điều đó, ảo vọng về một cuộc sống mới an nhàn, sung sướng nơi “miền đất hứa” khiến nhiều gia đình vẫn “quyết thử một phen”. Nhưng, sự thật lại đắng lòng, như câu chuyện của hai vợ chồng trẻ Và A Dia và Sùng Thị Sá là một ví dụ. Sau tết cổ truyền, Và A Dia và mấy cặp vợ chồng trẻ trong bản được một người đàn ông gọi điện thoại rủ rê đi vào huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk để sinh sống. Kèm theo đó là lời hứa sẽ có người đón, giúp đỡ làm nhà, cho đất ở và đất sản xuất; vào đây làm ăn rất thuận lợi, giàu lên dễ dàng. Trước viễn cảnh sung sướng, Dia bán toàn bộ số thóc của gia đình, cộng với hơn 10 triệu đồng có sẵn, tụ tập cùng mấy gia đình khác chuẩn bị cho hành trình vào Tây Nguyên. Sau nhiều cuộc điện thoại hẹn hò, trung tuần tháng 2/2019, gia đình Dia cùng 3 hộ gia đình khác trong bản Chả Lạy A âm thầm xuống núi, tìm xe đưa cả gia đình di cư. Sau 2 ngày rong ruổi trên những chuyến xe, rồi nhóm của Dia cũng đến được huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Nhưng những kỳ vọng về miền đất mới của gia đình Dia và mấy gia đình cùng đi chợt tan biến, khi những gì được hứa hẹn chỉ là con số không. Số tiền mang theo đã chi tiêu gần hết, trong khi nếu muốn sinh sống được ở đây thì Dia phải làm nhà, mua đất, mua nương rẫy để lao động sản xuất, chứ chẳng ai cho không thứ gì ở nơi đất khách quê người này cả. Tròn 20 ngày lang thang, vô định, chẳng thể định cư ở nơi mới, Và A Dia cùng 2 người bạn là Vàng A Chứ, Và A Chớ đã đưa ra quyết định đúng đắn: Quay về quê cũ!

Nhắc lại chuyện buồn này, Trưởng bản Vàng A Nếnh thở dài: Chúng nó đều là những cặp vợ chồng trẻ tuổi, có cặp chưa đến hai mươi (như Và A Chớ sinh năm 2000). Vì còn trẻ, chúng nó chưa suy nghĩ được nhiều, dễ bị những lời dụ dỗ, rủ rê, hứa hẹn ngon ngọt lừa phỉnh, mà bỏ nhà cửa, bỏ anh em, làng bản đi tìm giàu sang trong ảo vọng. Thương nhất là những đứa trẻ con phải bỏ học theo bố mẹ. Chỉ mong sao bà con sớm nhận ra, không mắc mưu kẻ xấu, nhanh chóng trở về với bản, với anh em, họ hàng, quê hương mình.

Không riêng gì ở Co Mạ, tình trạng di cư tự do còn xuất hiện ở một số xã vùng cao của Thuận Châu. Theo thông tin chúng tôi nắm được, năm 2018, huyện có 17 hộ, 75 khẩu di cư và từ đầu năm đến nay, lại có thêm 10 hộ, 52 khẩu di cư; chủ yếu di cư ra ngoài tỉnh, có cả những trường hợp di cư đến và di cư ra nước ngoài. Ngoài những gia đình trẻ, có nhiều gia đình sinh sống gắn bó từ lâu đời, nhưng cũng nảy sinh ý tưởng di cư đến nơi ở mới. Điển hình như năm 2018 gia đình ông Chá Sua Só, ở bản Pá Ný, xã Pá Lông di cư đến xã Phu Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, thế nhưng ông Só vẫn quyết định di cư với hy vọng về vùng đất mới.

 

Giải pháp cho tình trạng di cư tự do

 

Ông Thào A Tủa, Bí thư Đảng ủy xã Co Mạ cho hay, khi nắm được thông tin một số gia đình ở các bản Chả Lạy A, Xá Nhá B có ý định di cư đến tỉnh Đắk Lắk, ông đã trực tiếp cùng cán bộ xã, bản vào từng gia đình để tuyên truyền, vận động, nhưng vì quá tin vào những lời hứa hẹn, họ tránh gặp đoàn công tác, để ra đi bằng mọi giá. Việc người dân trên địa bàn bị đối tượng xấu xúi giục di cư, Đảng ủy, chính quyền xã đã báo cáo lên huyện. Sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, huyện Thuận Châu và xã Co Mạ cũng đã thành lập các đoàn công tác đến từng hộ tuyên truyền, vận động người dân yên tâm sinh sống, lao động sản xuất. Giải pháp đưa ra là xã Co Mạ chỉ cấp phiếu khai báo tạm vắng cho các gia đình xin di cư thời hạn 1 năm; không cho các hộ gia đình bán, chuyển nhượng đất ở, đất nương... phòng việc họ đến nơi ở mới không có nơi ở, đất sản xuất sẽ quay về. Và đúng như dự đoán, 4 trong 9 hộ rời đi đã dắt díu nhau trở về quê cũ với hai bàn tay trắng.

 

Và A Dia, bản Chả Lạy A (bên trái) cam kết không tiếp tục di dịch cư tự do.

 

Dù biết trước sự việc, nhưng gặp gỡ nghe những hộ này trình bày, xin trở lại quê hương sinh sống, Bí thư Đảng ủy xã Co Mạ cũng không khỏi xót xa. Các gia đình đều đã nhận ra những sai lầm của mình và cam kết yên tâm lao động sản xuất, không còn tư tưởng di cư nữa. Phương châm của xã là động viên tất cả các hộ gia đình đã di cư quay về địa phương sinh sống; cấp ủy, chính quyền, nhân dân sẵn lòng hỗ trợ, tạo điều kiện đi học nghề, được hướng dẫn sản xuất...

Trao đổi về tình hình di cư tự do, đồng chí Thào A Súa, Phó Bí thư huyện ủy Thuận Châu cho rằng, những năm qua, thực hiện chính sách dân tộc, huyện Thuận Châu đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, dành nhiều nguồn lực nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn để người dân yên tâm sinh sống, hạn chế tình trạng di cư tự do. Song, tình trạng di cư tự do vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chính là do trình độ nhận thức hạn chế, mối quan hệ họ hàng, thân tộc, tập quán  di cư trước đó tác động đến tâm tư của một bộ phận bà con; một phần nữa do bà con chưa biết áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất nên đời sống còn khó khăn. Song, bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền cơ sở thiếu kiểm tra, giám sát; công tác tuyên truyền, vận động có mặt còn hạn chế; công tác quản lý, đăng kí tạm trú, tạm vắng thiếu chặt chẽ...

 

Các hộ gia đình đã di cư, nhưng huyện vẫn chủ trương không cho bán, chuyển nhượng đất ở, đất nương.

 

Để hạn chế tình trạng di cư tự do ở Co Mạ và một số xã vùng cao của huyện, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là người dân ở các xã vùng cao chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất, huyện cần tăng cường củng cố, xây dựng hệ thống chính trị, phát huy vai trò của tổ chức cơ sở đảng, và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Đồng thời, tăng cường bám sát cơ sở nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc vận động người dân không nghe theo kẻ xấu, di dịch cư trái phép... Cùng với chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện Thuận Châu cần tiếp tục ưu tiên giành nguồn lực đầu tư xây dựng từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân, nhất là các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện tốt chính sách tín dụng, đổi mới quy trình, thủ tục cho vay, tạo điều kiện giúp bà con có nhu cầu được vay vốn để phát triển sản xuất; định hướng, hỗ trợ sản xuất, lựa chọn các loại cây, con phù hợp với tập quán, trình độ của người dân, tạo thu nhập ổn định, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, giảm bớt khoảng cách chênh lệch với các vùng; củng cố lòng tin của bà con đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng chỉ rõ dã tâm, thủ đoạn và nghiêm trị những kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo người dân di cư tự do làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của bà con và tình hình ANTT trên địa bàn.

Quàng Hưởng - Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới