Thời gian qua, các mô hình dân vận khéo được các chi hội phụ nữ của huyện Thuận Châu triển khai và đạt hiệu quả. Những mô hình “Dân vận khéo” gắn với điều kiện thực tế của từng địa phương, cơ sở, đoàn thể, từ cách thức phát triển kinh tế đến việc chăm sóc gia đình hạnh phúc được chị em truyền nhau kinh nghiệm, trao đổi các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.
Mô hình dân vận khéo trồng cà phê ở xã Nậm Lầu được hội viên trong xã nhân rộng.
Tìm hiểu ở Hội Phụ nữ xã Co Tòng, được biết, hiện Hội Phụ nữ xã đã thành lập và duy trì hoạt động tốt 4 mô hình “Dân vận khéo” như: Mô hình “Không có chồng, con nghiện ma túy”, với 24 thành viên tham gia của Chi hội bản Há Khúa A, đã vận động, tuyên truyền nhân dân trong bản, xã thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn hội viên tìm hiểu Luật Phòng chống ma túy; trao đổi kinh nghiệm về phòng chống ma túy, nâng cao trách nhiệm trong việc giáo dục con em, người thân không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội; mô hình “Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh”, “Không sinh con thứ 3”, “Học và làm theo sách báo” của các chi hội bản Co Tòng, Co Cài và Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã cũng thu hút gần 80 hội viên tham gia, góp phần tích cực vào các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng gia đình no ấm. Chị Hờ Thị Dông, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Co Tòng, cho biết: Để xây dựng thành công mô hình dân vận khéo thì mỗi chi hội trưởng phải đóng vai trò “đầu tàu, gương mẫu”, qua đó sẽ phát huy tầm ảnh hưởng của mình trong công tác điều hành và vận động hội viên tham gia. Chúng tôi cũng lựa chọn những chi hội có các phong trào tiêu biểu làm điểm để nhân rộng ra các chi hội khác học và làm theo.
Hiện, Hội Phụ nữ huyện Thuận Châu đã xây dựng 14 mô hình “Dân vận khéo” ở nhiều lĩnh vực khác nhau, thu hút nhiều hội viên tham gia. Qua đó, tạo điều kiện cho chị em được trao đổi, học hỏi kiến thức xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, ấm no, hạnh phúc; tinh thần đoàn kết giữa các hội viên không ngừng nâng lên. Để phong trào “Dân vận khéo” đi vào nền nếp và hoạt động hiệu quả, Hội chú trọng tuyên truyền, quán triệt, triển khai, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên về công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Chỉ đạo các cơ sở hội vận động hội viên đăng ký tham gia các mô hình “Dân vận khéo” phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng địa bàn, tạo sức lan tỏa sâu rộng tới các xã, bản vùng sâu, vùng xa.
Trong lĩnh vực văn hóa xã hội, Hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Hội Phụ nữ các xã, thị trấn hướng dẫn triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn với xây dựng bản, tiểu khu văn hóa; “Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới”; cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” được thành lập đã duy trì hoạt động tốt tại các chi hội như: “Chi hội phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, “Không có chồng, con nghiện ma túy”, “Vận động hộ hội viên di dời gia súc ra khỏi gầm sàn”, “Đoạn đường tự quản - trồng rau sạch”..., góp phần nâng cao ý thức tập thể, cộng đồng, ý thức về hoạt động phong trào Hội và trách nhiệm với gia đình.
Trao đổi với đồng chí Quàng Thị Thanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện được biết: Cùng với thực hiện mô hình “Dân vận khéo” các chi hội phụ nữ trong huyện đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, Qua đó, đã xây dựng, duy trì 60 mô hình tiết kiệm, với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng, hỗ trợ 611 hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, các cơ sở Hội thực hiện tốt phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, vận động cán bộ, hội viên thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tạo sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường. Hội Phụ nữ trong toàn huyện cũng đã xây dựng 36 mô hình phát triển kinh tế; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá gắn với thị trường, tạo sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế cao như: Mô hình kinh doanh, buôn bán, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả ở thị trấn Thuận Châu, Bon Phặng, Chiềng Pấc, Tông Lạnh; mô hình trồng cây cà phê, cây chè, cây sa nhân ở xã Phổng Lái, Chiềng Pha, Nậm Lầu, Phổng Lập; mô hình trồng cây sơn tra, trồng rừng kết hợp với chăn nuôi đại gia súc ở các xã vùng cao: Co Mạ, Mường Bám, Co Tòng, Long Hẹ; mô hình trồng cây cà phê, khoai sọ, khoai lang xã Nậm Lầu, Muổi Nọi; mô hình tổ hợp tác may mặc ở xã Thôm Mòn...
Phong trào “Dân vận khéo” ở Hội Phụ nữ huyện Thuận Châu đã và đang đem lại hiệu quả tích cực, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!