Chúng tôi về xã Nậm Lầu, Khu căn cứ cách mạng, nơi đội du kích Tranh Đấu năm xưa đã tuyên truyền, vận động nhân dân chống giặc Pháp bắt phu, bắt lính, chống lại ách áp bức của phìa tạo, phong kiến, góp phần cùng lực lượng vũ trang chủ lực giải phóng Thuận Châu...
Người dân xã Nậm Lầu thu hái cà phê.
Chuẩn bị bước sang năm mới, nên ở Nậm Lầu sôi động hẳn. Những nếp nhà đã dần thay màu ngói mới; các thiếu nữ váy áo sặc sỡ, nắm tay nhau nhịp bước xuống chợ; những đứa trẻ hồn nhiên khoe áo mới... Nậm Lầu hiện diện bằng những gam màu tươi sáng về cuộc sống no ấm, đủ đầy.
Đón chúng tôi với nụ cười nồng ấm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lò Văn Dung chia sẻ: Nậm Lầu là xã vùng III của huyện Thuận Châu, có 1.552 hộ của 4 dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Kinh cùng chung sống. Nậm Lầu đã trải qua những thời kỳ hết sức khó khăn, bởi địa hình cát cứ, giao thông cách trở, canh tác lạc hậu, tình trạng thiếu đói diễn ra triền miên, vật chất, tinh thần thiếu thốn đủ bề... Song với truyền thống cách mạng, cấp ủy, chính quyền xã xác định phương châm xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là trọng tâm, đề ra những Nghị quyết sát đúng, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, lãnh đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, phát triển thêm nhiều nghề mới... Trước hết, xã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi những giống lúa, ngô năng suất thấp sang trồng giống mới năng suất, hiệu quả kinh tế cao, trồng thêm các loại cây màu; hướng dẫn người dân các biện pháp thâm canh, tăng vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác; trồng cây cà phê, cây ăn quả trên những diện tích đất dốc, bạc màu... Nậm Lầu hiện có 708 ha cà phê (575 ha đã cho thu hoạch), năng suất 7 tấn/ha, sản lượng trên 4.000 tấn quả tươi/năm, nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ cà phê; tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, bà con còn trồng 2 ha cây ăn quả xen cà phê; thâm canh 211 ha lúa nước hai vụ, 15 ha ngô, chú trọng chăn nuôi gần 8.300 con gia súc, chủ yếu theo hướng nhốt chuồng, trồng cỏ làm thức ăn; phát triển thêm nghề nuôi ong rừng (hiện có hơn 4.300 đàn ong mật, tập trung ở các bản: Nà Kẹ, Huổi Kép, Xa Hòn, Biên, Lọng Lầu... sản lượng 60 tấn ong mật/năm).
Theo giới thiệu, chúng tôi tới nhà ông Lò Văn Phái, ở bản Biên, một trong những gia đình làm kinh tế giỏi. Đó là ngôi nhà sàn hai tầng khang trang, ông Phái phấn khởi: Năm nay, thu hoạch cũng khá nên tôi dự định ăn tết thịnh soạn hơn. Trong năm thu hoạch 4,8 tấn thóc, 32 tấn cà phê, nuôi 9 con bò nhốt chuồng, 7 con dê và 50 con lợn thịt, vừa xuất bán hơn 2 tấn lợn thịt, tổng thu 350 triệu đồng.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã thông tin thêm, qua báo cáo từ các bản, Tết này bà con sắm sửa tươm tất hơn, nhà nào cũng chuẩn bị nguồn thực phẩm dồi dào. Nét mới là ngoài bánh trái, thịt cá, thực phẩm khác, bà con còn quan tâm mua các loại hoa, cây cảnh để đón Tết. Bản nào cũng diễn tập các tiết mục văn nghệ, luyện tập tung còn, tó má lẹ, bóng đá... để tham gia các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân. Sự đồng thuận, đoàn kết là động lực để Nậm Lầu vững bước vào năm mới với niềm tin và kỳ vọng mới, phát triển toàn diện, vững chắc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!