Bó Mười phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa

Những năm qua, cùng với việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cấp ủy, chính quyền xã Bó Mười (Thuận Châu) đã tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa nghèo bền vững.

Nông dân bản Bó, xã Bó Mười (Thuận Châu) phát triển mô hình nuôi gia cầm theo hướng hàng hóa.

 Để giúp người dân từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống, chăn thả sang nuôi nhốt tập trung, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho bà con. Chỉ đạo các đoàn thể xã về các bản tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân trồng cỏ, ủ chua dự trữ thức ăn cho gia súc vào mùa đông. Đồng thời, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất canh tác cây lương thực ngắn ngày trên đất dốc năng suất thấp sang trồng cỏ voi VA06, cỏ ruzi làm thức ăn cho gia súc.  Hiện, trên địa bàn xã có hơn 3.100 con trâu, bò; trên 1.000 con dê; gần 1.900 con lợn trên 2 tháng tuổi; gần 28.000 con gia cầm các loại. Các hộ dân trong xã đã trồng gần 105 ha cỏ làm thức ăn cho gia súc. Cùng với đó, thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của xã, đã nhận ủy thác với các ngân hàng tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống chăn nuôi... Tổng dư nợ hơn 66 tỷ đồng, với gần 1.400 hộ dân vay đầu tư mở rộng các mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, như chăn nuôi gà thả vườn, nuôi trâu, bò, dê nhốt chuồng... Cán bộ khuyến nông và cán bộ thú y xã thường xuyên về các hộ chăn nuôi hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại, tiêm vắc - xin phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi; vận động người dân làm chuồng trại, dự trữ thức ăn để chủ động phòng, chống đói rét cho gia súc, gia cầm.

Đến thăm mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng của gia đình anh Lò Văn Phương, bản Sản (xã Bó Mười), trò chuyện với anh được biết, trước đây, thu nhập của gia đình phụ thuộc vào trồng ngô, sắn; chăn nuôi 2 - 3 con trâu, bò để lấy sức kéo. Năm 2017, gia đình anh được vay 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, cùng số vốn tiết kiệm, gia đình đầu tư mua thêm con giống, xây chuồng trại phát triển chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng, nâng số trâu, bò lên 15 con. Vừa qua, anh bán  2 con trâu, 6 con bò, thu trên 140 triệu đồng. Từ một hộ khó khăn, gia đình anh Phương đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Anh Phương chia sẻ: Để có nguồn thức ăn cho đàn gia súc, ngoài tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp, gia đình tôi đã chuyển 1 ha đất nương trồng ngô, sắn năng suất thấp sang trồng cỏ voi VA06, cỏ ruzi.

Còn gia  đình anh Lò Văn Tuân, bản Nong Sàn, cũng là một trong những hộ thoát nghèo từ chăn nuôi. Hiện, gia đình anh có 6 con trâu, bò; hơn 500 con gia cầm các loại, mỗi năm gia đình anh Tuân thu nhập trên 50 triệu đồng từ chăn nuôi.

Bên cạnh đó, việc phát triển đàn gia cầm cũng được xã quan tâm. Tháng 5/2019, cán bộ khuyến nông xã đã hướng dẫn người dân mô hình nuôi gà thả vườn và giới thiệu các cơ sở cung cấp gà giống chất lượng cao. Theo đó, 50 hộ dân trong xã đã mua hơn 5.000 con giống gà mía lai ở Hà Nội về chăn nuôi. Đàn con giống này đã được chủ trang trại tiêm vắc - xin phòng bệnh. Do thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc nên hiện đàn gà phát triển tốt, trọng lượng đạt trên 2 kg/con, chuẩn bị xuất bán ra thị trường.

Thời gian tới, xã Bó Mười tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển chăn nuôi tập trung, tăng quy mô đàn, tăng diện tích trồng cỏ lấy thức ăn cho chăn nuôi.  Nghiên cứu, giới thiệu cho bà con các loại giống vật nuôi có năng suất cao để đưa vào sản xuất; tiếp tục tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vay vốn ưu đãi..., từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính của xã, giúp người dân nâng cao thu nhập.

A Mua
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới