Là bệnh viện hạng III, quy mô 200 giường bệnh, nhưng Bệnh viện Đa khoa Thuận Châu thực kê 340 giường bệnh. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã khám, chữa bệnh cho 30.746 bệnh nhân, tăng hơn 2.000 người so với cùng kỳ năm 2015. Trước tình trạng quá tải bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh cao, việc thu gom, xử lý nước thải, rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường luôn là nhiệm vụ được Bệnh viện quan tâm thực hiện.
Trạm xử lý nước thải y tế của Bệnh viện Đa khoa Thuận Châu, mỗi ngày thu gom, xử lý 75m3 nước thải.
Trung bình một ngày, Bệnh viện Đa khoa Thuận Châu khám từ 310-380 người, điều trị nội trú cho 267 bệnh nhân và có khoảng 300 người nhà chăm sóc bệnh nhân. Lưu lượng người tại Bệnh viện hơn 1.000 người/ngày. Do vậy, lượng nước thải, chất thải y tế, rác thải thông thường phát sinh khoảng 115 kg/ngày, trong đó chất thải nguy hại từ 28-30 kg/ngày gồm: Bông băng, gạc, bơm tiêm nhựa, bộ phận cắt bỏ trong phẫu thuật, bột... nếu không được thu gom, xử lý triệt để sẽ là mầm mống gây dịch bệnh và làm ô nhiễm môi trường bệnh viện cũng như khu vực dân cư lân cận. Năm 2013, Bệnh viện được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, do Sở Y tế làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 13 tỷ đồng. Theo đó, đơn vị đã cùng Công ty ACI (Hà Nội) nghiên cứu, thiết kế xây, lắp hệ thống xử lý nước thải AAO&MBR Module hợp khối có công suất 200m3/ngày. Sau một năm xây dựng, công trình được đưa vào vận hành. Hiện, việc thu gom nước thải đạt 75m3/ngày đêm, thu gom toàn bộ nước thải y tế và nước thải sinh hoạt từ các khu nhà làm việc, nhà điều trị đã sử dụng vào hệ thống, chảy vào bể điều hòa. Sau khi qua các công đoạn xử lý, nước thải được đưa vào ngăn lắng, lên men và lọc kỵ khí, sau đó đưa vào bể aroten, qua bể ngăn khử trùng, đạt quy chuẩn trước khi xả ra suối Muội.
Cùng bác sĩ Trần Thanh Bình, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thuận Châu tham quan trạm xử lý nước thải, lò đốt chất thải, nếu không được giới thiệu, khó có thể biết được phía dưới vườn hoa rộng 100m2 là hệ thống bể ngầm của trạm xử lý nước thải. Bác sỹ Bình nói: Sau bức tường của vườn hoa là lò đốt chất thải rắn mới được Bệnh viện đưa vào vận hành tháng 1/2016. Lò đốt được lắp đặt theo công nghệ của Anh với công suất 20 kg/mẻ, trung bình đốt được 200 kg chất thải y tế/ngày. Để xác nhận được loại khí thải, nước thải nằm trong phạm vi cho phép trước khi thải ra môi trường, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) thực hiện 9 thông số quan trắc nước thải, kiểm nghiệm thông số quan trắc môi trường không khí. Kết quả cho thấy, chất lượng nước thải, khí thải đạt tiêu chuẩn dưới ngưỡng cho phép của tiêu chuẩn kỹ thuật quy chuẩn Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định.
Đến Khoa Ngoại - khoa luôn có lượng chất thải y tế nhiều nhất Bệnh viện, bác sĩ Lã Văn Tâm, Trưởng khoa cho biết: Ngay sau khi hệ thống xử lý chất thải rắn của Bệnh viện đưa vào hoạt động, đơn vị quy định các loại chất thải rắn phải được phân loại sơ bộ tại các khoa, phòng. Trường hợp làm phát sinh chất thải phải tự thu gom, phân loại để vào đúng nơi quy định. Hiện nay, Khoa có 2 thùng đựng rác riêng để chứa chất thải chung không độc và chất thải nhiễm khuẩn. Hộ lý của Khoa có trách nhiệm thu gom rác từ các buồng bệnh, buồng thủ thuật vào thùng rác chung của Khoa, hằng ngày thu gom, vận chuyển chất thải về nơi quy định.
Hệ thống xử lý chất thải rắn và nước thải tại Bệnh viện Đa khoa Thuận Châu đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật quy chuẩn Việt Nam, đã góp phần giúp đơn vị tiếp tục làm tốt hơn việc thu gom, phân loại rác tại nguồn, giữ vững mục tiêu 100% chất thải y tế được xử lý, góp phần làm trong sạch môi trường cho người bệnh và dân cư trong khu vực.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Châu đã xử lý 13.500m3 nước thải y tế; lò đốt chất thải rắn y tế xử lý 3.570 kg chất thải lây nhiễm, 1.490 kg chất thải nguy hại và 27.881 kg chất thải thường. |
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!