Nếp tan lanh (tan đỏ) là giống lúa ruộng bản địa của đồng bào dân tộc Thái ở xã Muổi Nọi (Thuận Châu). Đây là một trong những giống lúa đặc sản thơm ngon, dẻo. Người dân nơi đây trồng nếp tan lanh chủ yếu phục vụ gia đình và làm quà biếu người thân, bạn bè vào những dịp lễ, tết.
Người dân bản Nguồng, xã Muổi Nọi (Thuận Châu) chăm sóc mạ giống lúa nếp tan lanh.
Giống lúa nếp tan lanh được người dân ở xã Muổi Nọi lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác, gia đình nào cũng dành 1 - 2 sào ruộng để gieo cấy. Theo người dân nơi đây, lúa nếp tan lanh mỗi năm chỉ gieo cấy được một vụ, bắt đầu gieo mạ vào đầu tháng 5, cấy vào tháng 6, 7, tuổi mạ giống lúa này thường kéo dài hơn một tháng so với những giống lúa khác, bởi nếu cấy khi mạ còn non thì lúa sẽ không chắc hạt, nhiều hạt lép. Nếp tan lanh bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 10, năng suất bình quân có thể đạt 5 tấn/ha. Tuy nhiên, qua nhiều năm gieo cấy, giống lúa nếp tan lanh đang dần bị thoái hóa, lẫn tạp với các giống lúa khác, kháng sâu bệnh kém, năng suất giảm. Hiện nay, cả xã Muổi Nọi chỉ còn 3 ha gieo cấy giống nếp tan lanh trong tổng số 54 ha ruộng của xã.
Để phục tráng giống lúa nếp tan lanh bản địa ở Muổi Nọi, đầu năm 2018, Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã triển khai Dự án “Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học nông nghiệp cho các nhóm cộng đồng nghèo nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh Sơn La”, Dự án được thực hiện tại 4 bản của xã, gồm: bản Thán, Nguồng, Bó, Sàng với 4 hộ tham gia. Tham gia Dự án, các hộ được tập huấn kỹ thuật canh tác lúa thông minh gắn với biến đổi khí hậu, khâu chọn giống, mật độ gieo trồng, bón phân... nhằm giảm số lần phải phun thuốc bảo vệ thực vật và số lượng thóc giống từ 50-60% so với trước đây. Bên cạnh đó, tận dụng được nguồn phế phẩm để tạo ra phân bón hữu cơ, giúp người dân giảm chi phí đầu tư so với phương thức canh tác truyền thống, năng suất tăng lên, chất lượng hạt to, bóng.
Người dân bản Bó, xã Muổi Nọi chăm sóc mạ giống lúa nếp tan lanh.
Là một trong 4 hộ tham gia Dự án bắt đầu từ vụ mùa năm 2018, với diện tích 1.000 m², thời điểm này, gia đình anh Tòng Văn Cường ở bản Bó đã gieo xong mạ và đang khẩn trương làm đất để cấy theo đúng hướng dẫn. Anh Cường chia sẻ: Đây là năm thứ hai gia đình tôi tham gia Dự án phục tráng giống lúa nếp tan lanh, một trong những giống lúa được các thế hệ gìn giữ và bảo tồn cho đến ngày nay. Đối với người dân tộc Thái, gạo nếp tan được dùng làm bánh chưng, nấu xôi, nên không thể thiếu trong các dịp lễ, tết trong năm. Tham gia Dự án, được hướng dẫn kỹ thuật gieo mạ, chăm sóc, bón phân, cách lựa chọn giống thuần ngay từ khi mới thu hoạch bằng cách ngắt từng bông to, hạt mẩy đều, không bị lẫn tạp. Nhờ vậy, chất lượng gạo đồng đều, ổn định, năng suất cao hơn. Vụ mùa năm 2018, gia đình tôi thu về trên 5 tạ thóc, tăng hơn 1 tạ so với trước khi được phục tráng. Dự án sẽ kéo dài đến năm 2020, dự định sau khi kết thúc Dự án, gia đình tôi sẽ mở rộng thêm diện tích và hướng dẫn cho bà con trong bản kỹ thuật canh tác, chọn giống...
Ngoài ý nghĩa lưu giữ nguồn gen quý, ổn định năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, thì việc bảo tồn giống lúa nếp tan lanh còn giữ lại những giá trị văn hóa trong đời sống, sản xuất của đồng bào dân tộc Thái ở Muổi Nọi. Thời gian tới, để bảo tồn và phát triển giống lúa nếp tan lanh, xã sẽ chỉ đạo cán bộ khuyến nông cơ sở hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con mở rộng diện tích, phát triển sản xuất nếp tan lanh làm hàng hóa.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!