Thực hiện cam kết “5 có, 5 không” của tỉnh trong đồng bào dân tộc Mông, hơn 10 năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Thuận Châu đã triển khai nhiều giải pháp để cụ thể hóa chủ trương của tỉnh, của huyện vào đời sống của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn. Qua đó, những tập quán, hủ tục lạc hậu từng bước bị đẩy lùi thay bằng nếp sống văn hóa, đời sống người dân được nâng lên, khối đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường... Cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông vùng cao đang từng ngày đổi thay.
Nông dân bản Nặm Nhứ, xã Long Hẹ (Thuận Châu) chăm sóc cây chanh leo.
Ảnh: Thanh Huyền
Chuyện cũ ở vùng cao
Trong tiết trời mùa thu, hành trình lên vùng cao Thuận Châu, nơi sinh sống của phần lớn đồng bào dân tộc Mông, cảm nhận rõ sự đổi thay nơi mảnh đất này. Từ một vùng đất “nổi tiếng” bởi sự đói nghèo và lạc hậu... nay đã khoác lên mình một diện mạo mới, không chỉ thay đổi ở cơ hạ tầng, mà còn thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân nơi đây. Theo thống kê, trên địa bàn huyện Thuận Châu hiện có trên 3.800 hộ đồng bào dân tộc Mông với gần 19.000 nhân khẩu của 19 dòng họ dân tộc Mông cư trú, chiếm 12% dân số toàn huyện, trong đó tập trung nhiều nhất tại 5 xã vùng cao là: Co Mạ, Long Hẹ, Co Tòng, Pá Lông và Mường Bám. Phần lớn đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở núi cao, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân tán, mặt bằng dân trí không đồng đều. Bởi vậy, những năm trước đây người dân chủ yếu làm nương rẫy trên đất dốc thuần nông, tự túc, tự cấp phụ thuộc vào thiên nhiên; ở những xã, bản vùng sâu, vùng xa, vùng cao tỷ lệ hộ đói nghèo, mù chữ, tái mù chữ còn cao, đời sống còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, ở đây còn duy trì những hủ tục lạc hậu như: du canh du cư; tảo hôn; thách cưới bằng bạc trắng; để người chết nhiều trong nhà nhiều ngày và mổ nhiều trâu, bò khi làm lễ. Đặc biệt là việc trồng cây thuốc phiện với diện tích lớn đã làm cho cuộc sống của người dân nơi đây vốn đã nghèo lại càng trở nên khốn khó.
Trung tâm xã Long Hẹ hôm nay.
Trước những thập niên 90 của thế kỷ trước, vùng cao Thuận Châu được ví là “thủ phủ của cây thuốc phiện” các bản của 6 xã vùng cao Thuận Châu người dân trồng cây thuốc phiện là phổ biến, trong đó nhiều nhất phải kể đến xã Co Mạ và Long Hẹ. Cây thuốc phiện trở thành cây “chủ lực” ở nơi đây nhiều hơn bất cứ các cây trồng khác. Thậm chí nhiều diện tích rừng đã bị người dân lấn chiếm để lấy đất trồng cây thuốc phiện. Đến mùa thu hoạch nhựa thuốc phiện, nhiều đối tượng đã lần theo những con đường mòn từ xã Chiềng Ly qua Púng Tra rồi ngược lên Co Mạ; từ xã Bó Sinh (Sông Mã) qua xã Pá Lông hay từ đèo Pha Đin vào Mường Bám ngược lên để đến “thủ phủ của cây thuốc phiện” thu mua; thấy việc bán nhựa cây thuốc phiện có nhiều tiền nên không mấy tập trung vào việc trồng ngô, lúa để lấy lương thực. Bởi vậy, thời đó người Mông quan niệm nhà nào có nhiều bạc trắng, nhiều thuốc phiện là nhà giàu có, hình ảnh thuốc đen, bàn đèn luôn xuất hiện trong những lễ hội, đám cưới, đám ma của người Mông. Cũng vì là “thủ phủ của cây thuốc phiện” nên ngày ấy, ở vùng cao Thuận Châu, số người nghiện thuốc phiện rất nhiều. Không chỉ người già mà nhiều thanh niên cũng nghiện thuốc phiện. Thế rồi, từ năm 1992 trở đi khi Nhà nước chủ trương xóa bỏ, cấm trồng cây thuốc phiện, rồi tập trung triệt phá, tuyên truyền hỗ trợ bà con chuyển đổi cây trồng khác cây thuốc phiện dần vắng bóng tại vùng cao Thuận Châu, tuy nhiên những hệ lụy của cây thuốc phiện để lại vùng cao hết sức nặng nề...
Để hiểu rõ hơn, chúng tôi tìm gặp những già làng nhiều năm gắn bó với vùng cao, tại bản Nặm Nhứ, xã Long Hẹ. Già làng Vàng Thanh Páo năm nay ngoài 70 tuổi, từng chứng kiến nhiều hủ tục lạc hậu của bản, của xã, kể lại: Ngày trước, chúng tôi lấy vợ rất sớm, khi cưới phải có hàng trăm lít rượu, 30 đồng bạc trắng, mổ hơn 10 con trâu, bò để ăn uống từ 3-4 ngày; khi gia đình có người chết, không cho vào quan tài mà mỗi người con phải góp 1 con bò hoặc 1 con lợn để lo tổ chức làm ma kéo dài 4-5 ngày, rất tốn kém; nhiều gia đình không có tiền, không có trâu, bò phải vay mượn anh em họ hàng, hàng xóm, có khi đến đời con mới trả được hết nợ. Ngày đó, cây thuốc phiện chưa bị Nhà nước cấm người dân ở đây trồng rất nhiều. Có thời điểm cả bản chỉ còn những đứa trẻ con ở nhà trông nhà, còn người lớn thì kéo nhau vào rừng phá rẫy trồng cây thuốc phiện...
Còn ông Và Giống Mua, Trưởng dòng họ Và ở bản Pa Chả A, xã Co Tòng nhớ lại: Trước đây, cuộc sống của người dân chúng tôi chủ yếu tự cung, tự cấp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Lúc đó, bà con trong dòng họ chỉ biết đi bộ mấy cây số, trèo lên ngọn núi cao để trồng lúa nương nên cái chân mỏi rã rời; đến mùa thu hoạch thì được ít thóc lắm, nhiều năm mất mùa, cả bản thiếu đói phải lên rừng đào củ nâu, củ mài để ăn. Mải lo tìm cái ăn nên việc học của con cháu không được quan tâm, trẻ con từ bé đã theo cha mẹ lên nương…
Đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống
Tháng 3/2007, một cam kết chưa từng có được tỉnh Sơn La nghiên cứu, ban hành có tên gọi “5 có, 5 không” với mục đích giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Sơn La, với các nội dung chính như: bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan không phù hợp; đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc Mông. Theo đó, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã tổ chức các hội nghị bí thư chi bộ, trưởng bản, già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín dân tộc Mông toàn tỉnh, tại hội nghị đã thông qua và ký cam kết thực hiện nội dung “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông với nội dung ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu. Cụ thể hóa chủ trương của tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện Thuận Châu đã tập trung triển khai với nhiều cách làm hiệu quả sát với thực tế của địa phương.
Xã Co Tòng (Thuận Châu) lồng ghép tuyên truyền
việc thực hiện cam kết “5 có, 5 không” vào các cuộc họp của bản.
Là người con sinh ra, lớn lên tại mảnh đất vùng cao Long Hẹ, hơn ai hết, ông Thào A Súa, Phó Bí thư huyện ủy Thuận Châu thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người dân vùng cao về những hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân từ bao đời, bao thế hệ. Ông cũng là một trong những người có nhiều đóng góp để hiện thực hóa cam kết “5 có, 5 không” vào cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông huyện Thuận Châu. ông tâm sự: Ban Thường vụ huyện ủy xác định thực hiện nội dung cam kết “ 5 có, 5 không” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của Đảng bộ huyện, là cơ hội để giúp bà con đồng bào dân tộc Mông vươn lên thoát nghèo. Bởi vậy, để cam kết đi vào cuộc sống trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức từ cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, bản có đồng bào dân tộc Mông. Trên cơ sở đồng bào hiểu và nhận thức sâu sắc thì triển khai nội dung có hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Cùng với đó, chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm hàng hóa. Từ đó tạo sự thống nhất về tư tưởng chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân trong việc thực hiện nội dung “5 có, 5 không”.
Quả thực khi tìm hiểu thực tế tại các xã vùng cao huyện Thuận Châu, chúng tôi mới cảm nhận hết được sự vào cuộc kiên trì, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương. Để cam kết đi vào cuộc sống không chỉ trong “một sớm, một chiều”, với phương châm “mưa dầm, thấm lâu”, huyện Thuận Châu đã thành lập các đoàn công tác khảo sát các dòng họ và số hộ, số khẩu đồng bào dân tộc Mông để tổ chức hội nghị (hội nghị dòng họ, hội nghị xen ghép các dòng họ); phân công các đồng chí cấp ủy phụ trách các xã chỉ đạo, hướng dẫn quy trình triển khai thực hiện tại các bản. Đặc biệt, huyện đã khơi dậy và phát huy tốt vai trò của người có uy tín, trưởng các dòng họ, đây là những người có tiếng nói rất quan trọng trong cộng đồng, là người đề xuất và giải quyết những vấn đề trong phạm vi gia đình và mỗi dòng họ, trên cơ sở tôn trọng phong tục, tập quán nhưng phải đúng các quy định của pháp luật, xu hướng phát triển của xã hội để tuyên truyền bà con thực hiện làm theo. Nhờ đó, nội dung cam kết “5 có, 5 không” đã được triển khai bài bản, thống nhất, đồng bộ từ huyện tới cơ sở và đến tất cả các hộ đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn; được cụ thể hóa thành quy ước, hương ước của bản, coi đây là tiêu chí để bình xét gia đình, bản văn hóa hằng năm.
Đến xã Co Mạ, thủ phủ của vùng cao Thuận Châu, chúng tôi được biết câu chuyện của ông Vừ Xuân Hờ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Co Mạ, người con dòng họ Vừ ở bản Pha Khuông, phối hợp trực tiếp với trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín tuyên truyền lồng ghép cam kết “5 có, 5 không” vào các cuộc họp ở bản; sau đó đến các gia đình vận động, phân tích những tích cực khi thực hiện cam kết; chính gia đình ông Hờ là hộ đầu tiên trong dòng họ thực hiện việc ma chay, cưới xin theo nếp sống văn minh, phá bỏ tập tục cũ lạc hậu. Ông Vừ Xuân Hờ chia sẻ: Muốn mọi người làm theo thì mình phải tiên phong thực hiện trước. Lúc đầu tuyên truyền bà con trong dòng họ chưa hiểu còn bảo mình bất hiếu, không thực hiện theo truyền thống cha ông để lại. Nên khi gia đình tôi có người mất, tôi họp anh em trong gia đình, thống nhất tổ chức đám tang theo nếp sống văn minh vừa đảm bảo các nghi lễ truyền thống, vừa giảm thời gian, giảm mổ trâu, bò thì anh em đều đồng ý... Thế rồi, khi mình thực hiện thấy vừa tiết kiệm, lại trang trọng nên mọi người hưởng ứng; mới đầu một, hai người làm theo còn bây giờ thì cả bản, cả dòng họ Vừ và các dòng họ khác trong xã đều thực hiện tốt cam kết rồi... Việc thực hiện cam kết “5 có, 5 không” còn được bản đưa vào hương ước để mọi người làm theo.
Tìm hiểu tại xã Long Hẹ, chúng tôi được đồng chí Sùng Chờ Nó, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Xác định việc thực hiện cam kết là một việc khó, bởi những tập quán canh tác tự cung, tự cấp hay những phong tục lạc hậu đã truyền từ đời này qua đời khác rất khó có thể thay đổi. Bởi vậy, xã đã chủ trương, những cán bộ, đảng viên trong xã là những người tiên phong đi đầu trong xóa bỏ các hủ tục, áp dụng kỹ thuật, xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả để bà con thấy được và học tập làm theo. Cùng với đó, phát huy vai trò của các trưởng bản, bí thư chi bộ, trưởng các dòng họ, người có uy tín làm nòng cốt nêu gương, tuyên truyền vận động người dân thực hiện các nội dung của cam kết “5 có, 5 không”. Sau hơn 10 năm triển khai, hơn 500 hộ của 9 dòng họ trong xã đều đồng thuận, làm theo... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Long Hẹ bây giờ tuy chưa giàu những đã thay đổi khác xưa nhiều lắm...
Nội dung cam kết thực hiện “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông 5 có - Có đổi mới tập quán sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ, làm ra nhiều hàng hóa để dùng và bán. - Có tinh thần đoàn kết giữa các dòng họ, các dân tộc và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. - Có nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang ma, lễ hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông. - Có ý thức xây dựng bản phát triển toàn diện, ấm no, hạnh phúc, đảm bảo an ninh trật tự. - Có nhiều người hiếu học, biết chữ, chăm làm, công tác tốt. 5 không: - Không du canh du cư, phá rừng làm nương, vượt biên trái phép và làm việc xấu. - Không truyền đạo trái phép và trái với phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. - Không để người chết nhiều ngày, không để ngoài áo quan và mổ nhiều trâu, bò. - Không tái trồng cây thuốc phiện, buôn bán, vận chuyển, sử dụng các chất ma túy. - Không tảo hôn, thách cưới khi lấy vợ, gả chồng, sinh nhiều con. |
(Còn nữa)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!