Hỏi đáp về bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

1. Bảo hiểm tiền gửi là gì?

Luật BHTG tại Việt Nam quy định: BHTG là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được BHTG trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.

Theo Hiệp hội BHTG Quốc tế (IADI), BHTG được hiểu là “một hệ thống được thiết lập để bảo vệ người gửi tiền khỏi những tổn thất về tiền gửi được bảo hiểm của họ trong trường hợp tổ chức nhận tiền gửi không thể hoàn thành các nghĩa vụ nợ theo cam kết đối với người gửi tiền”.

Như vậy, BHTG là cam kết công khai của tổ chức BHTG về việc sẽ hoàn trả một phần hoặc toàn bộ tiền gửi được bảo hiểm (bao gồm cả gốc và lãi) cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG được cơ quan chức năng xác định là mất khả năng thanh toán hoặc chấm dứt hoạt động.

2. Mục đích chung của chính sách bảo hiểm tiền gửi?

Ba nhóm mục tiêu của chính sách BHTG, gồm:

Thứ nhất: Bảo vệ người gửi tiền, đối tượng có những hạn chế nhất định trong việc tiếp cận thông tin về hoạt động của các tổ chức nhận tiền gửi.

Thứ hai: Tăng cường niềm tin công chúng, góp phần giảm thiểu đột biến rút tiền gửi, góp phần tạo cơ chế chính thức để xử lý các tổ chức nhận tiền gửi gặp sự cố và xử lý khủng hoảng tài chính. Góp phần đảm bảo ổn định hệ thống các TCTD.

Thứ ba: Các mục tiêu khác như góp phần xây dựng một thị trường cạnh tranh bình đẳng giữa các tổ chức nhận tiền gửi; Phân định rõ trách nhiệm và quyền lợi của người gửi tiền, tổ chức nhận tiền gửi, Chính phủ; Giảm thiểu chi phí xử lý đổ vỡ và giảm gánh nặng tài chính cho người đóng thuế trong trường hợp có ngân hàng đổ vỡ.

Trong đó, mục tiêu thứ nhất và thứ hai là cốt lõi,các mục tiêu bổ sung trong nhóm thứ 3 (nếu có) không được mâu thuẫn hoặc làm suy yếu hai mục tiêu cốt lõi nêu trên.

3. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là gì?

Tổ chức BHTG là tổ chức tài chính được giao thực hiện chính sách về BHTG.

Việt Nam duy nhất có 01 tổ chức BHTG là Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

4. Vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi đối với hệ thống các tổ chức tín dụng và nền kinh tế?

Với hệ thống các TCTD, hoạt động của tổ chức BHTG góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD.

Với nền kinh tế, hoạt động của tổ chức BHTG góp phần duy trì sự ổn định về chính trị, an ninh và trật tự xã hội, tiền đề cho ổn định và phát triển kinh tế.

5. Cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi?

Điều 8, Luật BHTG quy định:

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về BHTG.

NHNN chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về BHTG. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với NHNN thực hiện quản lý nhà nước về BHTG.

Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quản lý nhà nước về BHTG tại địa phương.

6. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang hoạt động theo mô hình nào?

BHTGVN là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

NHNN thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với BHTGVN theo quy định tại Luật BHTG, Nghị định số 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHTG và các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

7. Chức năng của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là gì?

Điều 2, Quyết định số 1394/QĐ-TTg ban hành ngày 13/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng của BHTGVN như sau:

BHTGVN là tổ chức tài chính nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các BHTGVN, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

8. Có thể tìm hiểu thêm thông tin về chính sách bảo hiểm tiền gửi và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ở đâu?

Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về chính sách BHTG và BHTGVN qua:

- Website chính thức của BHTGVN tại địa chỉ: http://www.div.gov.vn;

- Bản tin BHTG phát hành định kỳ hàng quý;

- Liên hệ trực tiếp với Trụ sở chính hoặc các Chi nhánh Khu vực của BHTGVN;

Ngoài ra, BHTGVN thực hiện thông tin, tuyên truyền chính sách BHTG thông qua các hoạt động tuyên truyền trực tiếp;tuyên truyền qua hệ thống bưu điện Việt Nam; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: báo in, báo mạng, phát thanh, truyền hình, đặc biệt là các báo, tạp chí chuyên ngành tài chính – ngân hàng dưới nhiều hình thức phim tài liệu, tiểu phẩm, bài viết, bài nghiên cứu…

9. Tổ chức nào phải tham gia bảo hiểm tiền gửi?

                       

Theo Điều 6, Luật BHTG và Điều 4, Nghị định 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 của Chính phủ:

- Tổ chức tham gia BHTG là các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân, bao gồm NHTM, ngân hàng hợp tác xã, QTDND, và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các TCTD.

- Tổ chức TCVM phải tham gia BHTG đối với tiền gửi của cá nhân bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng TCVM, trừ tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức TCVM.

- Ngân hàng chính sách không phải tham gia BHTG

Như vậy, các tổ chức phải tham gia BHTG gồm: NHTM, ngân hàng hợp tác xã, QTDND, tổ chức TCVM và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân.

10. Làm thế nào để nhận biết một tổ chức tín dụng đã tham gia bảo hiểm tiền gửi?

Điều 15, Luật BHTG quy định: “Tổ chức tham gia BHTG phải niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia BHTG tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi”. Bản sao Chứng nhận tham gia BHTG là bản sao do BHTGVN cấp từ sổ gốc.

Như vậy, dấu hiệu nhận biết TCTD đã tham gia BHTG là quan sát điểm giao dịch của TCTD có niêm yết bản sao Chứng nhận tham gia BHTG hay không..

11. Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi là gì?

                                   

Chứng nhận BHTG là văn bản xác nhận của BHTGVN về việc tổ chức nhận tiền gửi đã tham gia BHTG.

Nội dung chứng nhận tham gia BHTG bao gồm:

a/ Tên tổ chức cấp chứng nhận tham gia BHTG: Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

b/ Tên tổ chức được cấp chứng  nhận tham gia BHTG:…

c/ Nội dung chứng nhận: Đã tham gia bảo hiểm tiền gửi kể từ ngày…tháng …năm

12. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam giám sát các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi như thế nào?

                                   

Khoản 10 Điều 13 Luật BHTG quy định về một trong những quyền và nghĩa vụ của BHTGVN như sau: “Tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng.”

Nội dung giám sát gồm: (i) Đánh giá tình hình thực hiện các quy định pháp luật về BHTG; (ii) Phân tích thông tin giám sát, đánh giá tình hình hoạt động của tổ chức tham gia BHTG theo các tiêu chí về vốn, chất lượng tài sản, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản, tiêu chí khác; (iii) Dựa trên kết quả giám sát để kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng và thực hiện phân loại tổ chức tham gia BHTG theo mức độ rủi ro.

13. Nếu nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, người gửi tiền nên làm gì?

Nếu người gửi tiền hoặc bất kỳ ai phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức tham gia BHTG thì có thể thông báo cho NHNN, BHTGVN và các cơ quan chức năng bằng một trong các cách sau: gửi văn bản, thư điện tử hoặc trực tiếp tới cơ quan công an tại địa phương, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng – NHNN chi nhánh tỉnh/thành phố tại địa phương, Chi nhánh BHTG khu vực hoặc Trụ sở chính của BHTGVN để phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức tham gia BHTG kèm theo bằng chứng (nếu có).

14. Tiền gửi nào được bảo hiểm?

Điều 18, Luật BHTG quy định: “Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các TCTD, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 của Luật này.”

Vậy, tất cả các loại tiền gửi cá nhân phù hợp với quy định nêu trên đều là tiền gửi được bảo hiểm.

15. Tiền gửi nào không được bảo hiểm?

Điều 19, Luật BHTG, Khoản 2 Điều 4 Nghị định 68/2013/NĐ-CP quy định các loại tiền gửi không được bảo hiểm gồm:

- Tiền gửi tại TCTD của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính TCTD đó.

- Tiền gửi tại TCTD của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) của chính TCTD đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.

- Tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia BHTG phát hành.”

Ngoài ra, tiền gửi không phải bằng Đồng Việt Nam, tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức TCVM, tiền gửi không phải của cá nhân thì không được bảo hiểm.

16. Người được bảo hiểm tiền gửi là ai?

Theo Khoản 2 Điều 4 Luật BHTG, người được BHTG là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG.

17. Quyền lợi hợp pháp của người được bảo hiểm tiền gửi là gì?

     

Điều 11, Luật BHTG quy định, người được BHTG có quyền:

- Được bảo hiểm số tiền gửi của mình tại tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Luật BHTG.

- Được nhận tiền bảo hiểm đầy đủ và đúng thời hạn theo quy định của Luật BHTG.

- Yêu cầu tổ chức tham gia BHTG, tổ chức BHTG cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, chế độ về BHTG.

- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến BHTG theo quy định của pháp luật.”

18. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo vệ người được bảo hiểm tiền gửi như thế nào?

BHTGVN bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được BHTG thông qua các hoạt động nghiệp vụ của mình, từ đó góp phần hạn chế rủi ro, giúp các tổ chức tham gia BHTG hoạt động an toàn, hiệu quả hơn, đảm bảo an toàn tiền gửi của người được BHTG. Các hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN liên quan trực tiếp tới việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền bao gồm:

(1) Theo dõi, kiểm tra và giám sát các tổ chức tham gia BHTG  chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG, kiến nghị NHNN xử lý hành vi vi phạm.

(2) Tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin hoạt động của tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng.

(3) Tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG theo quy định của NHNN; tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Chính phủ; cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản, cho vay đặc biệt theo quy định của NHNN và cho vay đặc biệt theo phương án phục hồi TCTD được phê duyệt, mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ.

(4) Chi trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG theo quy định của pháp luật khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả hoặc phá sản, BHTGVN

(5) Thực hiện tuyên truyền nhằm giúp người dân hiểu chính sách BHTG, qua đó nâng cao niềm tin công chúng, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD.

19. Phí bảo hiểm tiền gửi do đối tượng nào đóng?

     

Khoản 3, Điều 12, Luật BHTG quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức tham gia BHTG như sau: “Nộp phí BHTG đầy đủ và đúng thời hạn”.

Như vậy tổ chức tham gia BHTG là đối tượng chịu trách nhiệm đóng phí BHTG, người gửi tiền không phải nộp phí BHTG.

20. Khi nào Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm?

Điều 22 Luật BHTG, quy định: “Nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD là tổ chức tham gia BHTG vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc NHNN có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia BHTG mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền”.

21. Thời hạn trả tiền bảo hiểm được xác định như thế nào?

  

Điều 23 Luật BHTG quy định: “Trong thời hạn 60 ngày, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức BHTG có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG.”

22. Hạn mức trả tiền bảo hiểm đối với một khách hàng tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi hiện nay là bao nhiêu?

Hạn mức bảo hiểm tiền gửi hiện hành (số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của 1 cá nhân tại 1 TCTG BHTG bao gồm cả gốc và lãi) theo Quyết định 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ tối đa là 75.000.000đ (Bảy mươi lăm triệu đồng). Số tiền gửi vượt hạn mức nói trên sẽ được giải quyết trong quá trình xử lý tài sản của TCTG BHTG theo quy định của pháp luật.

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới