É Tòng là xã vùng cao của huyện Thuận Châu, ngoài cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, núi non trùng điệp, nơi đây còn có nét độc đáo riêng tô điểm bởi hàng trăm chiếc cọn nước dọc theo con suối Nặm É, ngày đêm miệt mài cõng nước tưới tiêu cho đồng ruộng, đem lại những mùa vàng ấm no.
Bản Nong Lanh có 189 hộ, 412 khẩu dân tộc Thái. Do hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư hoàn thiện nên trên 100 chiếc cọn nước đang thực hiện tưới tiêu cho 7 ha lúa ruộng 2 vụ. Để tiện dẫn nước về ruộng, những nhà có ruộng gần nhau làm chung một cọn. Cứ vậy, những cọn nước được dựng lên, cái nọ nối tiếp cái kia tạo thành một cụm. Việc sử dụng những cọn nước để đưa nước từ dưới suối lên ruộng cao sẽ không tốn nhiều công sức đắp phai, đào hàng trăm mét mương dẫn nước đi qua những chướng ngại vật của vùng núi cao.
Những chiếc cọn nước mang đến những mùa vàng no ấm ở É Tòng.
Ông Quàng Văn Oai, Trưởng bản Nong Lanh, cho biết: Cọn nước quay được nhờ có sức nước, dòng nước chảy càng mạnh thì cọn nước càng quay nhanh, do đó những điểm dốc có dòng nước chảy mạnh thường được bà con đặt nhiều cọn nước.
Những chiếc cọn nước được đặt ở những vị trí thuận lợi.
Theo bà con nơi đây, những chiếc cọn nước được dùng quanh năm, mỗi khi bước vào mùa vụ mới thì các gia đình sẽ chỉnh sửa hoặc làm cọn nước mới. Quan trọng nhất khi làm cọn nước phải chọn được khu đất chắc, giáp bờ ruộng, khi có lũ vẫn có thể giữ được cọn nước không bị trôi. Địa điểm làm cọn không quá sâu, không quá xa so với chỗ lấy nước. Một chiếc cọn nước tốt sau khi làm xong thân cọn phải chắc chắn nhưng nhẹ để dễ vận chuyển. Việc lắp đặt cũng rất công phu, đảm bảo con nước cân đối, quay đều, tải nước tốt. Vì vậy, người làm cọn phải có nhiều kinh nghiệm, khéo tay, tỉ mỉ và kiên trì.
Vành guồng quay của cọn nước có cách đan khoa học.
Nan hoa cọn nước sẽ được làm bằng loại tre già, có sức chịu đựng trong môi trường ẩm ướt. Vành guồng rộng khoảng 45-50cm, được đặt các phên nứa để cản nước, tạo lực đẩy guồng quay và có gắn các ống bương buộc chếch khoảng 30 độ để múc đầy nước khi chìm xuống. Lực đẩy của nước khiến guồng quay liên tục, đến tầm cao nhất định, các ống bương sẽ bắt đầu đổ nước vào các máng dài được làm từ thân cây chẻ đôi.
Những cô gái Thái vui đùa bên dòng suối Nặm É.
Những chiếc cọn nước mang đến những mùa vàng no ấm.
Bên dòng suối Nậm É trong xanh, những chiếc cọn nước vẫn miệt mài tưới mát cho 35 ha lúa ruộng 2 vụ. Cùng với những điệu múa xòe, lễ hội Xên mường, lễ hội cơm mới… những chiếc cọn nước nép mình bên dòng suối Nặm É xanh mát đã trở thành hình ảnh vô cùng thân thuộc của bản làng, tạo nên vẻ đẹp rất riêng biệt của xã vùng cao É Tòng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!