Thuận Châu nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản

Thực hiện công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển sản xuất nông nghiệp theo lợi thế từng vùng, huyện Thuận Châu đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tích cực đổi mới tổ chức sản xuất, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực, được người dân triển khai nhân rộng.

 

Nông dân xã Phổng Lái thu hoạch chè.

 

Để tạo bước đột phá trong nông nghiệp, huyện Thuận Châu đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện hơn 300 mô hình kinh tế, quy mô trên 4.000 ha và thống nhất định mức hỗ trợ một số loại cây trồng để các hộ dân thực hiện mô hình; hướng dẫn người dân ký hợp đồng cung ứng giống, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, HTX (chanh leo, chè), bàn giao giống và hướng dẫn, tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây giống cho hộ dân.

Đến nay, huyện có 4.114 ha cây ăn quả; 8.434 ha cây công nghiệp; 212 ha cây ăn quả được chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; 21 chuỗi cung ứng nông sản an toàn; 10 chuỗi liên kết sản xuất; 8 mã số vùng trồng cây ăn quả. Ngoài việc tiếp tục nhân rộng các mô hình trồng chè, cây ăn quả nhãn, xoài, chanh leo; bơ xen cà phê; na Thái..., nông dân trong huyện đã áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với hơn 1.000 ha giống cây ăn quả; hơn 300 ha chè, 17 ha cà phê; 7 ha cây ăn quả, 1 ha cây sa nhân được áp dụng bằng phương pháp tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel...

Giải quyết bài toán cung - cầu cho các sản phẩm nông nghiệp, huyện đã kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; tích cực tuyên truyền, vận động thành lập HTX để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Nhiều HTX đã tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với người dân, áp dụng quy trình sản xuất VietGap trong sản xuất và chế biến, như: HTX Bình Thuận, HTX Noong Lào, HTX chanh leo Thuận Châu, HTX trồng rừng sinh thái Huổi Liệp… Tập trung chỉ đạo xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, phát triển vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất, bao tiêu các sản phẩm chủ lực trên địa bàn huyện theo chuỗi giá trị, chủ yếu các sản phẩm nông sản, như: Chè, cà phê, sơn tra, chanh leo và quả các loại.

Đối với trồng trọt, đã hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đối với chanh leo, chè, cao su, na, trong đó: Cây chanh leo được Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm 136,8 ha với Hợp tác xã Chanh leo Thuận Châu; Công ty thực hiện cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và ký cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm của các hộ dân trong hợp tác xã. Sản phẩm chè được HTX sản xuất và kinh doanh dịch vụ Bình Thuận (xã Phổng Lái), Công ty TNHH kinh doanh nông sản Thân Nga, Công ty TNHH Trà Thu Đan thực hiện trồng và liên kết 850 ha chè tại 4 xã Phổng Lái, Phổng Lập, Chiềng Pha, Mường É; sản lượng mỗi năm tiêu thụ trên 950 tấn chè khô.

Bên cạnh đó, huyện còn xây dựng mô hình trồng cây na Thái với quy mô 1 ha cho Tổ hợp tác trồng na tại bản Co Ké, xã Chiềng Pấc và HTX Thanh Sơn (Mai Sơn) thực hiện cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm na cho Tổ hợp tác khi có sản phẩm. Hiện nay, huyện Thuận Châu đang chỉ đạo xây dựng và hình thành 3 chuỗi giá trị quả: Cam, xoài, bơ tại các xã có điều kiện với diện tích tập trung gắn với quy hoạch vùng sản xuất; thực hiện lựa chọn đơn vị chủ trì dự án để triển khai thực hiện.

Theo kế hoạch, năm 2021, huyện Thuận Châu phấn đấu thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ, tạo vùng nguyên liệu cho Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La với tổng diện tích 722 ha, sản lượng ước đạt 12.266 tấn, gồm: 210 ha chanh leo, sản lượng ước 2.520 tấn; hơn 270 ha dứa, sản lượng ước 4.095 tấn; 81 ha ngô ngọt, sản lượng ước đạt 1.215 tấn; 97 ha đậu tương, sản lượng ước đạt 776 tấn và 61 ha rau chân vịt, sản lượng ước đạt 3.660 tấn. Phấn đấu trong 4 năm tới, huyện Thuận Châu có 1.852 ha cây trồng liên kết sản xuất, đáp ứng nguyên liệu cho Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La với sản lượng ước đạt 33.759 tấn.

Triển khai hiệu quả công tác nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn, huyện Thuận Châu tập trung xây dựng hạ tầng, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất; tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, phát triển các chuỗi giá trị nông sản; nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX trên địa bàn, nhất là năng lực quản lý kinh tế hộ, kinh tế tập thể của nông dân, các tổ hợp tác để nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình liên kết. Huy động nguồn vốn từ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp liên kết với nông dân trong chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản; hỗ trợ huyện trong việc phát triển các loại cây, con chủ lực và xây dựng thương hiệu một số sản phẩm đặc thù trên địa bàn.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới