Phát triển cụm công nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp; tạo việc làm cho lao động và tăng thu ngân sách, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, hoàn thành các mục tiêu cụ thể trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đưa Sơn La thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc.
Xí nghiệp giầy Phù Yên 2, Công ty cổ phần giầy Ngọc Hà tại cụm công nghiệp Gia Phù, huyện Phù Yên.
Quyết định số 3184 ngày 31/12/2016 của UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 phấn đấu có 8 CCN. Đến nay, toàn tỉnh có 3 CCN, gồm: Gia Phù, Mộc Châu, Mường La với tổng quy mô trên 104 ha. Các CCN bước đầu thu hút 4 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho gần 800 lao động địa phương.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, việc thu hút các nhà đầu tư còn hạn chế cả về số lượng và năng lực doanh nghiệp; một số doanh nghiệp chưa hoàn thành đầu tư dự án theo chủ trương được cấp có thẩm quyền cho phép, sử dụng diện tích đất được giao chưa hiệu quả, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất còn thấp... Đơn cử như Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản Tây Bắc, được UBND tỉnh giao 21,8/28,1 ha đất để xây dựng nhà máy luyện đồng từ năm 2013, nhưng đến nay không triển khai. UBND tỉnh đã rút chứng nhận đầu tư và yêu cầu Công ty hoàn tất thủ tục trả lại đất cho UBND huyện Phù Yên quản lý theo quy hoạch được duyệt.
Ông Nguyễn Đình Phong, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Trên cơ sở chức năng quản lý quy hoạch và tiến hành khảo sát, ngành Công Thương đã đề xuất một số vị trí để phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh được cụ thể bằng dự thảo phương án phát triển CCN tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, có 17 CCN đưa vào phương án, trung bình mỗi huyện, thành phố quy hoạch từ 1 đến 2 CCN. Riêng huyện Vân Hồ theo định hướng khu vực này sẽ ưu tiên và tập trung phát triển mạnh về du lịch và đã được Chính phủ cho phép lập Quy hoạch khu công nghiệp, diện tích 240 ha tại bản Thung Cuông, xã Vân Hồ.
Hiện, Sở Công Thương đã xây dựng xong dự thảo phương án và xin ý kiến của tổ tư vấn liên ngành. Phương án đề ra mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh thành lập 8 CCN và phấn đấu hoàn thành đầu tư hạ tầng ít nhất 5 CCN; 100% CCN đưa vào quy hoạch được thành lập và lựa chọn chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN và đi vào hoạt động đúng quy định, với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 60% diện tích, tạo việc làm cho ít nhất 20.000 lao động địa phương...
Thực tế cho thấy việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch CCN là rất cần thiết. Tại thành phố Sơn La, trong những năm qua, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tăng khá nhanh, bình quân khoảng 10,45%. Thành phố hiện có 18 doanh nghiệp, 53 HTX, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất công nghiệp - TTCN. Tuy nhiên, việc quy hoạch và bố trí mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp còn đơn lẻ, tính thống nhất chưa cao. Các cơ sở sản xuất chủ yếu ở quy mô nhỏ, nằm rải rác ở khu vực nội thành, máy móc thiết bị, công nghệ còn lạc hậu tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống người dân và chưa khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, nước và khó khăn trong công tác quản lý, nhất là quản lý quy hoạch và bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sơn La, thông tin: Thành phố đã quy hoạch CCN Chiềng Ngần, diện tích 18 ha và bổ sung CCN Hoàng Văn Thụ, xã Hua La, diện tích 60 ha, dự kiến thu hút công nghiệp chế biến nông, lâm sản; may mặc, giày da; chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; chế biến lương thực, thực phẩm; cơ khí; sản xuất vật liệu xây dựng; sửa chữa máy móc thiết bị.
Công ty may Tâm Việt trong cụm công nghiệp Gia Phù, huyện Phù Yên tạo việc làm cho lao động địa phương.
Định hướng của tỉnh Sơn La sẽ phát triển các CCN gắn với vùng nguyên liệu nông sản tại chỗ, thu hút các nhà máy chế biến công nghệ cao, chế biến sâu các sản phẩm nông sản có thế mạnh của địa phương. Đưa các cơ sở sản xuất, tiểu thủ công nghiệp tác động xấu đến dân cư, đô thị (tiếng ồn, khói bụi, bẩn...) vào sản xuất trong CCN. Các dự án phát triển trong CCN được lựa chọn các mô hình thân thiện với môi trường, đảm bảo nâng cao đời sống, an toàn cho người lao động.
Với việc tham vấn kỹ lưỡng của các sở, ban ngành của tỉnh, các huyện, thành phố, phương án phát triển CCN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh Sơn La sẽ là động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển, tăng khả năng kết nối giữa CCN với các yếu tố khác ngoài CCN, khu công nghiệp và đô thị hóa. Phương án là cơ sở cho việc quy hoạch chi tiết từng CCN; xây dựng các giải pháp, cơ chế chính sách phát triển các CCN.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!