Sản xuất thích ứng, linh hoạt theo tín hiệu thị trường

Sơn La là vựa trái cây lớn nhất miền Bắc và định hướng trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc. Hiện, Sơn La có 21 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; 17 sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường 21 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới; nhiều loại nông sản được người tiêu dùng đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng.

Nâng cao giá trị nông sản, tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, cấp mã số vùng trồng, duy trì, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Đến nay, đã xây dựng, duy trì và phát triển 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; có 241 mã số vùng trồng, với diện tích trên 4.700 ha, trong đó, 130 mã với trên 4.271 ha cây ăn quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 51 mã số vùng trồng trên 430 ha cây ăn quả xuất khẩu sang thị trường Úc, Mỹ..., có 37 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.

Gian hàng trưng bày trái cây Sơn La tại Hội nghị tiêu thụ, xuất khẩu xoài, nông sản Sơn La năm 2022.

Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, đặc biệt là các hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản được thực hiện đa dạng, tổ chức hội nghị giao thương kết hợp giữa trực tiếp với trực tuyến, tổ chức hội trợ trên môi trường mạng. Nhờ đó, nhiều nông sản của tỉnh có sản lượng xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Đến ngày 7/6, toàn tỉnh đã tiêu thụ trên 12.310 tấn chuối, trên 12.400 tấn xoài, trên 66.600 tấn mận và hơn 10,5 tấn nhãn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, số lượng và sản lượng nông sản xuất khẩu hằng năm của tỉnh Sơn La vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế. Mặc dù nông dân là bộ phận chủ lực trong sản xuất nông sản, nhưng những thông tin về thị trường phát triển nhập khẩu nông sản không được cập nhật, nắm vững nên sản phẩm thường mang tính tự sản xuất, không đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu ra nước ngoài, còn sản xuất nhỏ lẻ. Do đó, để đảm bảo việc kiểm soát tiêu chuẩn và chất lượng nông sản đầu vào, đầu ra, cần đẩy mạnh phát triển theo chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các HTX.

Là một doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm về nông sản, có quan hệ hợp tác xuất nhập khẩu với nhiều đối tác có uy tín trong và ngoài nước, Tập đoàn Vina T&T đã xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản đến thị trường: Mỹ, Châu Âu, Canada. Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vina T&T, chia sẻ: Tăng cường tiêu thụ, thúc đẩy thương mại hàng hóa nông sản trong xu thế hiện nay, quan trọng nhất vẫn là thông tin thị trường, nhất là trong xuất khẩu, vì mỗi thị trường sẽ có các tiêu chuẩn hàng hóa quốc tế cụ thể. Có thể minh chứng, thị trường Mỹ khắt khe về chất lượng và yêu cầu quy định luật pháp rõ ràng. Mỹ tăng cường kiểm soát kỹ thuật thương mại, cơ chế kiểm dịch thông qua các tiêu chuẩn, như GMP, ISO, HACCP, an toàn vệ sinh thực phẩm... trong sản xuất và chế biến mặt hàng nông sản khi đưa vào thị trường Mỹ. Muốn đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đối với hàng nông sản, phải quan tâm từ khâu chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, kỹ thuật thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, bảo quản, vận chuyển.

Khó khăn nữa là, trái cây muốn xuất khẩu sang Mỹ bắt buộc phải được xử lý chiếu xạ theo yêu cầu của APHIS. Ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam, huyện Yên Châu, chia sẻ: HTX hiện có 100 ha cây ăn quả, xoài và nhãn của HTX đã xuất khẩu sang Mỹ. Trái cây tươi của tỉnh Sơn La khi xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu chiếu xạ thường phải chuyển vào các tỉnh phía Nam xử lý, nên tăng thời gian vận chuyển và chi phí, dẫn tới thương nhân thu gom thường giảm giá mua tại vườn của người dân.

Theo ông Nguyễn Phú Hoà, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Australia, hiện mùa vụ xoài tại Australia đã kết thúc, là thời điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu xoài Sơn La nói riêng và xoài Việt Nam nói chung vào thị trường này. Để tăng tính nhận diện của nông sản Việt Nam tại Australia, chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại. Sơn La cần có cơ chế phân loại xoài, trên cơ sở đó, Thương vụ quảng bá theo các tiêu chí để người tiêu dùng phân biệt và hiểu giá trị từng loại; đồng thời, tìm giải pháp rút ngắn thời gian vận chuyển đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Với thị trường Trung Quốc, ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán công sứ, Đại Sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, cho biết: Chính phủ Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách “Zero Covid”, nên để thông quan được nông sản sang thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo được tiêu chí mà Trung Quốc quy định, trong đó đảm bảo an toàn dịch bệnh là điều kiện tiên quyết.

Nhận diện những khó khăn, bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, Sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố, như: Lào Cai, Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh... cung cấp thông tin về thị trường, các quy định, tiêu chuẩn xuất khẩu và tình hình thông quan của các cửa khẩu để các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp, HTX điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Từ đó, định hướng, tổ chức sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu nông sản đạt hiệu quả.

Thành viên HTX Đoàn Kết, xã Mường Bú, huyện Mường La, tập kết xoài về điểm thu mua xuất khẩu.

Ngoài ra, Sở Công Thương đẩy mạnh tổ chức, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là các hoạt động có ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, như hội nghị kết nối giao thương trực tuyến, hội chợ trên môi trường mạng... Cùng với đó, nâng cao năng lực đơn vị thu gom, chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu; duy trì và mở rộng mạng lưới phân phối, trong đó tập trung vào thị trường Trung Quốc với các sản phẩm trái cây tươi; mở rộng, phát triển các thị trường tiềm năng, thị trường các nước đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước EU... đẩy mạnh thu hút đầu tư các cơ sở sơ chế, chế biến, xuất khẩu nông sản, góp phần giảm áp lực về tiêu thụ quả tươi, nâng cao giá trị của sản phẩm nông sản.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại tự do được đàm phán, ký kết và phê chuẩn; các nước trên thế giới đã và đang thiết lập trạng thái “bình thường mới”, đẩy mạnh phục hồi sản xuất, kinh doanh và thích nghi với tình hình dịch Covid-19... đã tạo tiền đề cho Việt Nam nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng duy trì và không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế, chuyển dịch dần từ xuất khẩu ủy thác, xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu trực tiếp.

Năm 2022, Sơn La phấn đấu giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 174 triệu USD, tăng 7,94% so với năm 2021. Trong đó, nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt 162,5 triệu USD, tăng 8,3% so với năm 2021, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Đổi thay ở Nặm Giắt

    Đổi thay ở Nặm Giắt

    Kinh tế -
    Về bản Nặm Giắt, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, những ngày này, chúng tôi hết sức ấn tượng bởi màu xanh của những đồi chè, vườn cà phê chín đỏ đang vào vụ thu hoạch. Nặm Giắt hôm nay đã có nhiều đổi thay, người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mà đã biết cách lựa chọn các phương thức sản xuất phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế.
  • 'Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn

    Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn

    Xã hội -
    Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Châu đã triển khai hiệu quả chính sách tín dụng, giúp hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Đặc biệt, từ nguồn vốn vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân ở nông thôn trên địa bàn.
  • 'Nhiều giải pháp chuyển đổi số

    Nhiều giải pháp chuyển đổi số

    Chuyển đổi số -
    Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số của ngành Kiểm sát Sơn La thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và các hoạt động chuyên môn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
  • 'Tiếp sức cho học sinh đến trường

    Tiếp sức cho học sinh đến trường

    Khoa Giáo -
    Trường THCS Ngọc Chiến, huyện Mường La, tập trung làm tốt công tác nấu ăn bán trú cho học sinh, góp phần duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục ở xã vùng III đặc biệt khó khăn.
  • 'Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng

    Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng

    Xã hội -
    Những năm qua, công tác khen thưởng của tỉnh không ngừng được đổi mới, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, coi trọng phát hiện, lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng, góp phần động viên cổ vũ kịp thời phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực.