Sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường

Thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc, nhiều diện tích xoài bản địa của tỉnh Sơn La đã được cải tạo, ghép giống mới cho năng suất, sản lượng và chất lượng quả cao như các giống xoài tượng da xanh GL3, GL4, xoài Úc... và được tiêu thụ, xuất khẩu đi hàng chục quốc gia trên thế giới, mở ra nhiều triển vọng cho sản phẩm xoài Sơn La.

 

Người dân bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc (Yên Châu) thu hái xoài.

 

Trước đây, các hộ dân trồng xoài chỉ quan tâm đến sản lượng mà chưa quan tâm đến nhu cầu thị trường, chất lượng xoài cũng không đảm bảo khi tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, mẫu mã xấu. Được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, nhiều hộ nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng các quy trình canh tác theo tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cụ thể, tiêu chuẩn tiêu thụ sang thị trường Úc, quả xoài phải được thu hoạch trong mã số vùng trồng, được Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I cấp, có trọng lượng từ 0,6 kg đến 0,75 kg, giống xoài tượng da xanh to đều, vỏ bóng đẹp, không đốm sâu bệnh, không trầy sát, hạt chưa đóng sơ. Đối với thị trường Trung Quốc, quả xoài to đều, vỏ bóng đẹp, không đốm sâu bệnh, không trầy sát, có độ chín già.

Trước nhu cầu của thị trường, Sở Nông nghiệp và PTNT đã giao các đơn vị chức năng hướng dẫn các hộ tổ chức sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm chất lượng tiêu thụ, xuất khẩu theo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.350 ha xoài được cấp mã số vùng trồng, sản lượng ước đạt 13.400 tấn đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng phục vụ cho việc xuất khẩu quả xoài sang các thị trường Trung Quốc, Úc, Mỹ.

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Sở đang tham mưu với UBND tỉnh hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể vùng trồng các loại cây ăn quả chủ lực; mở rộng vùng trồng, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGAP). Chỉ đạo các đơn vị chức năng hướng dẫn các hộ sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm chất lượng quả xuất khẩu theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Cùng theo bà Phong, trong quá trình chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, người trồng xoài phải theo dõi chặt chẽ ngày phun, loại thuốc phun, thời gian, liều lượng, ghi chép cụ thể từ chăm sóc, diễn biến cũng như sâu bệnh hại, để đưa ra đầy đủ sổ nhật ký những thông tin khi khách hàng yêu cầu. Tập trung cải tạo giống, xử lý hoa rải vụ, áp dụng kỹ thuật bao trái và sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt; công nghệ sau thu hoạch; hướng dẫn các HTX đủ điều kiện xây dựng, lập hồ sơ đăng ký đề nghị cấp mã vùng trồng xoài xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc (Yên Châu) một trong những HTX đầu tiên của tỉnh được cấp mã số vùng trồng, chia sẻ: Trước những yêu cầu của thị trường, HTX đã đăng ký xin cấp mã số vùng trồng, giúp việc truy xuất nguồn gốc dễ dàng. HTX thống nhất sản xuất theo quy trình, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, tạo uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Từ năm 2018, sản phẩm xoài của huyện Mai Sơn được một số doanh nghiệp thu mua xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc. Mai Sơn hiện có 2.700 ha xoài, chủ yếu là giống xoài tượng da xanh, 1.200 ha đã cho thu hoạch quả.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Sản phẩm phải được cấp mã số vùng trồng và không tồn dư chất bị cấm, không nhiễm sâu, bệnh hại theo yêu cầu của từng quốc gia mới tạo dựng được thương hiệu. Vì vậy, Phòng đã bám sát các thông tin về xuất khẩu, thông qua nhóm zalo để tuyên truyền, cập nhật các tiêu chuẩn cơ sở xuất khẩu; hướng dẫn các HTX, thành viên HTX đăng ký xây dựng mã số vùng trồng mới; thực hiện các tiêu chuẩn cơ sở theo yêu cầu thị trường xuất khẩu, hướng đến sản xuất theo nhu cầu và yêu cầu của từng thị trường.

Còn tại HTX Nông nghiệp Mường Bú (Mường La). Ông Vũ Đăng Kế, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mường Bú, cho biết: HTX có 13 thành viên, canh tác 58 ha cây ăn quả; trong đó, có 12 ha xoài tượng da xanh. Chúng tôi luôn chú trọng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, do đó sản phẩm xuất khẩu đạt chất lượng cao. Hằng năm, ngoài việc tiêu thụ xoài cho các thành viên, HTX còn thu mua hàng trăm tấn xoài cho nông dân quanh vùng để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Người dân xã Chiềng Hặc (Yên Châu) đóng gói xoài.

 

Trao đổi về chất lượng quả xoài, bà Đinh Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp nhận xét: Lô xoài của tỉnh Sơn La xuất đi Mỹ đợt vừa qua nhận được phản hồi rất tích cực của đơn vị nhập khẩu. Chúng tôi hi vọng thời gian tới, người trồng xoài tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng sản phẩm an toàn.

Sản phẩm xoài Sơn La đã và đang tạo dựng được thương hiệu không chỉ ở thị trường trong nước mà cả thị trường nước ngoài. Chìa khóa là xây dựng vùng trồng xuất khẩu, sản xuất theo quy trình nông nghiệp tốt để tạo sản phẩm sạch, an toàn và tích cực quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân ở Sơn La.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới