Chủ động kết nối, bao tiêu sản phẩm cho người dân, Sở Công Thương Sơn La đang tập trung cao cho công tác chuẩn bị Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản Sơn La năm 2022. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng sự kiện “Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022” được tổ chức vào trung tuần tháng 5/2022 tại tỉnh ta. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương Sơn La về nội dung này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Đồng chí Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương.
PV: Thưa bà! Chào đón sự kiện “Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022” sắp diễn ra tại tỉnh Sơn La, Sở Công Thương đã và đang chuẩn bị những hoạt động gì?
Bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương Sơn La: “Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam", "Festival trái cây - Sản phẩm OCOP Việt Nam - Sơn La năm 2022” là chuỗi các sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư của tỉnh Sơn La với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; thúc đẩy giao lưu văn hóa - kinh tế - du lịch; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, nông sản nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX phục hồi sản xuất, kinh doanh, vượt qua đại dịch Covid-19.
Sở Công Thương đang khẩn trương triển khai thực hiện Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 12/4/2022 của UBND tỉnh về tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản Sơn La năm 2022. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 26 điểm cầu trong nước và khoảng 18 điểm cầu quốc tế tại các nước, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, AE, Mông Cổ... Đây là cơ hội quảng bá, giới thiệu, trao đổi thông tin và kết nối đối tác tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm xoài và nông sản tỉnh Sơn La.
Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Hải Đăng Sơn La.
Hội nghị dự kiến sẽ diễn ra ngày 18/5/2021, với sự tham gia của 150 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố, đại diện các doanh nghiệp tiêu thụ và xuất khẩu xoài, nhãn và nông sản ngoài tỉnh, như: Aeon, Lotte, Masan, Central Group, Mega Market, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại tổng hợp WinCimmerce, Công ty Cổ phần TNHH Mia Fruit và đại diện một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Giang. Các sàn thương mại điện tử Tiki.vn, Lazada.vn, Shopee, Postmart, Sendo.vn, Voso... Đại diện lãnh đạo một số tập đoàn bán lẻ và một số kênh phân phối, các doanh nghiệp, thương nhân nhập khẩu xoài, nhãn và nông sản của các nước.
PV: Xin bà cho biết những nội dung chính trong Chương trình Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản tỉnh Sơn La năm 2022?
Bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương Sơn La: Tham gia Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản tỉnh Sơn La năm 2022, các đại biểu sẽ được giới thiệu về tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm xoài và nông sản tỉnh Sơn La. Trao đổi, hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng xoài và các sản phẩm nông sản, các tiêu chuẩn đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường tiềm năng.
Gian hàng trưng các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh.
Bên cạnh đó, các đại biểu được trao đổi, cung cấp thông tin về yêu cầu, tiêu chuẩn đối với hàng hóa nông sản xuất khẩu sang các nước; thông tin của các tỉnh biên giới Việt Nam với Trung Quốc về hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc; tình hình xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa nông sản của Sơn La tại các cửa khẩu; yêu cầu, tiêu chuẩn khi đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và hệ thống phân phối; quy trình thu hái, sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản; thảo luận các giải pháp, định hướng hỗ trợ Sơn La về kết nối, quảng bá, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông sản mang tính bền vững.
Hợp tác xã Đoàn Kết, xã Mường Bú, huyện Mường La đóng gói sản phẩm xoài phục vụ xuất khẩu.
Cũng tại Hội nghị, sẽ khai trương Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc nông sản tỉnh Sơn La. Hiện nay, Sở Công Thương đang phối hợp với Viễn thông Sơn La, các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thí điểm Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản tỉnh Sơn La. Sàn giao dịch sẽ hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; kết nối cung cầu giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh và người tiêu dùng trong cả nước thông qua môi trường mạng với các sản phẩm nông sản, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng góp phần nâng cao thương hiệu nông sản Sơn La. Đến nay, đã tổng hợp được trên 120 sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh và đang tiếp tục rà soát, tổng hợp thêm.
Ngay sau Hội nghị trực tuyến và khai trương Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc nông sản, tỉnh Sơn La sẽ tham gia nghi thức cắt băng xuất hành đưa xoài Sơn La vào các hệ thống phân phối và xuất khẩu.
Kho bảo quản sản phẩm cà phê xuất khẩu của Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La.
PV: Xin bà cho biết, những kỳ vọng qua việc tổ chức Hội nghị lần này?
Bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương Sơn La: Tỉnh Sơn La hiện có trên 82.000 ha cây ăn quả và cây sơn tra. Năm 2022, tỉnh Sơn La tiếp tục thực hiện linh hoạt, kết hợp nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, kết nối giao thương nhằm đảm bảo tiêu thụ cơ bản 509.870 tấn nông sản, với mức giá hợp lý, ổn định thu nhập của người dân. Phấn đấu giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 174 triệu USD, tăng 7,94% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng trái cây tham gia xuất khẩu dự kiến đạt trên 28.370 tấn, tăng 12,9% so với năm 2021, giá trị tham gia xuất khẩu ước đạt 33,56 triệu USD, tăng 3,335% so; giá trị nông sản chế biến và nông sản khác tham gia xuất khẩu phấn đấu đạt 128,9 triệu USD.
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, Sơn La sẽ vào vụ thu hoạch xoài, tiếp đó là nhãn. Dự kiến hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của Việt Nam nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng, trong năm nay, tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy, tỉnh Sơn La mong muốn thông qua Hội nghị kết nối sẽ thông tin và giới thiệu với các bạn hàng về các sản phẩm nông sản đặc trưng, chủ lực của tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ, giới thiệu, kết nối giúp nông dân Sơn La tiêu thụ sản phẩm trái cây tươi nói riêng và các sản phẩm nông sản sơ chế, chế biến nói chung, với mục tiêu cao nhất là vừa hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, vừa nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh cho sản phẩm. Thành công Hội nghị sẽ là là một trong những chuỗi sự kiện thiết thực, ý nghĩa mà tỉnh Sơn La chào mừng “Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam", "Festival trái cây - Sản phẩm OCOP Việt Nam - Sơn La năm 2022”.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!