Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Hàng ngoại không còn lấn át hàng Việt, người tiêu dùng đã bắt đầu lựa chọn các mặt hàng nội địa là những thay đổi khi triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 

Gian hàng trưng bày các sản phẩm trái cây nội địa tại siêu thị VinMark Sơn La.

 

Theo khảo sát tại siêu thị VinMart, Trung tâm thương mại Đ&T và các cửa hàng đại lý, nhà phân phối  hàng tiêu dùng lớn trên địa bàn Thành phố, tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước được bày bán chiếm tới 85% tổng số hàng hóa. Tại các chợ truyền thống, cửa hàng bán buôn, bán lẻ tỷ lệ hàng Việt cũng chiếm trên 70% và có tới 95% người dân khi được hỏi đều cho biết họ lựa chọn các mặt hàng tiêu dùng nội địa.

Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt Nam tại tỉnh Sơn La.

Năm qua, ngành Công Thương đã khảo sát và lựa chọn hỗ trợ xây dựng được 6 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, gồm: Cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm của HTX du lịch Pha Đin, Phổng Lái (Thuận Châu); điểm dừng nghỉ Hoa lan Mộc Châu; cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm của Công ty cổ phần chè Chiềng Đi; siêu thị đặc sản Mộc Châu Food của HTX đặc sản Tây Bắc; điểm dừng nghỉ ăn uống, quà đặc sản Nam Hưng 70.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã phối hợp với UBND các huyện tổ chức các hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn; hàng hóa được trưng bày và bán trong hội chợ chủ yếu là hàng Việt và hàng nông sản của địa phương; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh tham gia nhiều gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của Sơn La tại các hội chợ triển lãm lớn do các tỉnh, thành phố tổ chức; tổ chức đưa các doanh nghiệp, HTX của Sơn La khảo sát thị trường, tham quan các mô hình chế biến, sản xuất, bảo quản nông sản tại các tỉnh bạn; tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, cơ sở chế biến bảo quản...

Đến nay, toàn tỉnh có 1 trung tâm thương mại, 5 siêu thị, 104 chợ truyền thống, trên 16.000 cửa hàng, cơ sở bán lẻ các loại; gần 50 cơ sở, xưởng, nhà máy chế biến nông sản, sản lượng trên 150.000 tấn sản phẩm/năm. Nhiều mặt hàng nông sản như: Chè, cà phê nhân, tinh bột sắn, đường... đã chinh phục được thị trường trong nước và xuất khẩu.

Siêu thị VinMart có nhiều hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Để kích cầu hàng Việt, Siêu thị áp dụng chương trình khuyến mãi giảm giá 35% đối với nước giặt, rửa tay của VinMart; 20% sản phẩm bia Ruby của Masan; 22% hạt nêm Chinsu…

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc Siêu thị VinMart, thông tin: Việc giảm giá của nhà sản xuất nhằm mục đích kích cầu tiêu dùng. Đây cũng là cách để quảng bá, tiếp thị sản phẩm hữu hiệu nhất của các nhà sản xuất Việt. Thay vì chi phí lớn cho quảng bá, các nhà sản xuất thực hiện giảm giá ưu đãi ngay trên sản phẩm, với mong muốn để ngày càng nhiều người tiêu dùng biết đến và lựa chọn sản phẩm chất lượng là cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Cùng nhận định, bà Nguyễn Bích Vân, chủ cửa hàng Vân Coóng, đường Chu Văn Thịnh (Thành phố), chia sẻ: Người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn hàng nội địa thay hàng nhập ngoại vì các dòng sản phẩm như bánh kẹo, nước giải khát, rượu, bia được sản xuất tại Việt Nam hiện nay rất đa dạng, phong phú. Phía nhà sản xuất nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng đã điều chỉnh khẩu vị, giảm ngọt, độ đường, sản xuất thêm những dòng bánh bổ sung các dưỡng chất, các loại Vitamin phù hợp với từng đối tượng, giá cả phải chăng, chất lượng ngon. Nhờ đó, các sản phẩm nội địa ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Chị Nguyễn Thị Thảo, phường Quyết Tâm (Thành phố), cho biết: Từ lâu tất cả sản phẩm trái cây, rau, củ, quả tôi lựa chọn sử dụng cho gia đình đều được trồng trên địa bàn tỉnh. Nếu không thì phải là sản phẩm rau, củ, quả sạch được trồng nội địa và bày được trong siêu thị, chuỗi cửa hàng rau, củ, quả sạch. Tôi hài lòng với hàng nội địa vì chất lượng tươi ngon, giá cả hợp lý phù hợp với đại đa số người dân.

Để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục lan tỏa, thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tiếp tục nghiên cứu, xây dựng mô hình các chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững từ sản xuất - phân phối - tiêu dùng gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; mở rộng kênh phân phối hàng Việt tại các chợ truyền thống, khu vực đông dân cư, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa theo hướng bền vững. Đôn đốc các huyện, thành phố tiếp tục xây dựng và quảng bá các mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” cố định tại các chợ trung tâm huyện, thành phố, trung tâm thương mại, siêu thị. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống sản xuất, mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, góp phần ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu, tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới