Mường Bon chuyên canh rau hàng hóa

Khai thác lợi thế về đất đai, nguồn nước, nông dân xã Mường Bon, huyện Mai Sơn đã chuyển từ trồng rau nhỏ lẻ, tự phát sang chuyên canh, quan tâm và ứng dụng các quy trình sản xuất an toàn để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo việc làm và nâng cao thu nhập.

Mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP của thành viên HTX nông nghiệp Tiên Sơn, bản Mai Tiên, xã Mường Bon.

Mai Tiên là bản có diện tích trồng rau màu lớn nhất xã Mường Bon, với gần 10 ha, chuyên canh rau màu quanh năm. Bà con trong bản đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất, trang bị hệ thống tưới tự động, giải phóng sức lao động, tiết kiệm thời gian. Sản phẩm rau, củ quả đa dạng, sản lượng lớn, các buổi chiều hàng ngày, xe tải vào tận bản để thu gom, vận chuyển rau đi tiêu thụ.

HTX nông nghiệp Tiên Sơn, bản Mai Tiên đã có gần 10 năm phát triển, hiện có 21 thành viên, duy trì chuyên canh gần 7 ha rau màu, sản lượng khoảng trên 560 tấn rau, củ, quả mỗi năm. Ông Phạm Văn Đấu, Phó Giám đốc HTX, cho biết: Với điều kiện khí hậu mát mẻ, rau vụ đông sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh hại nên mùa này, các thành viên lựa chọn trồng đa dạng nhiều loại rau, củ, quả. Trồng rau theo quy trình VietGAP, các hộ thành viên tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật đối với giống, nguồn nước, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón hữu cơ, ghi chép đầy đủ quy trình chăm sóc, tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ... sản phẩm rau an toàn được người tiêu dùng ưa chuộng, đầu ra ổn định, các hộ thành viên liên kết tiêu thụ với các thương lái. Hàng năm, mỗi hộ thành viên của HTX thu về từ 300-400 triệu đồng.

HTX du lịch nông nghiệp Mường Bon hiện đang triển khai thí điểm mô hình trồng rau hữu cơ tại xã, phục vụ tham quan, du lịch trải nghiệm gắn với phát triển các dịch vụ du lịch ẩm thực, thu hút đông đảo lượng khách du lịch các ngày cuối tuần và nghỉ lễ. Ông Tòng Văn Thu, Giám đốc HTX, cho biết: HTX tập trung cải tạo 3.000 m² đất, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, làm mái che để thực hiện trồng cà chua bi giống nhập khẩu Hà Lan, dâu tây Hana, dưa chuột và một số giống rau cải khác. Từ đầu năm đến nay, HTX đã đón khoảng 1.200 lượt du khách, tổng doanh thu trên 800 triệu đồng. Bên cạnh đó, các thành viên trồng rau màu duy trì sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, thu nhập bình quân 100 triệu đồng/hộ.

Từ trồng rau nhỏ, lẻ tự phát theo quy mô hộ, xã Mường Bon đã tổ chức quy hoạch diện tích đất sản xuất, khuyến khích bà con nông dân liên kết sản xuất tập trung, thành lập các HTX chuyên canh rau màu, chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ. Ban đầu, việc trồng rau chỉ phát triển ở một số bản, giờ hầu hết các bản đều đã dần chuyển đổi chuyên canh rau màu, tập trung nhiều nhất ở các bản: Mai Tiên, Mé, Mứn, Đoàn Kết, Tà Xa... Toàn xã hiện trồng trên 55 ha rau màu các loại, sản lượng khoảng trên 4.000 tấn/năm; 3/5 HTX nông nghiệp sản xuất và kinh doanh rau, củ, quả.

Ông Lò Văn Bưu, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Bon, chia sẻ: Hệ thống thủy lợi của xã được cơ bản đầu tư đồng bộ, với 4 hồ chứa và 82,5% mương được kiên cố hóa. Nguồn nước ổn định quanh năm, 80% diện tích chuyên canh trồng rau màu. Việc chuyển đổi chuyên canh rau theo hướng hàng hóa đã góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, với thu nhập trung bình từ 250-300 triệu đồng/ha. Hiện nay, xã tập trung tuyên truyền, vận động các hộ trồng rau liên kết sản xuất tập trung, tham gia thành viên các HTX và thành lập thêm các tổ hợp tác và HTX chuyên canh rau màu; tư vấn cho nông dân thay đổi thói quen canh tác, sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền vững; thường xuyên khảo sát, nắm bắt nhu cầu, đề xuất và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện chuyển đổi phương pháp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; kiên quyết từ bỏ sản xuất theo lối nhỏ lẻ chuyển sang sản xuất theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Việc đẩy mạnh phát triển rau màu theo hướng hàng hóa đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn phục vụ nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân ở xã Mường Bon.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới