Những ngày cuối tháng 5, các thung lũng mận ở Cao nguyên Mộc Châu khoác lên mình màu áo rực rỡ, chen giữa những tán lá xanh là những chùm mận chín đỏ, trĩu cành. Mận trên vườn, đồi, mận tràn ngập phố; những sọt mận đỏ rực, tím lịm theo những chuyến xe ngược - xuôi, mang theo niềm vui của những người trồng mận bởi năm nay mận giữ được giá và lượng tiêu thụ ổn định.
Người dân tiểu khu Bản Ôn, thị trấn Nông trường Mộc Châu (Mộc Châu) thu hái mận.
Mộc Châu được xem là vựa mận với hơn 3.100 ha, trong đó có hơn 2.000 ha đã cho thu hoạch. Khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp cho cây mận phát triển cho ra những trái mận chất lượng, giòn, thơm và căng mọng, quả to hơn so với mận ở khu vực khác... Thương hiệu mận Mộc Châu được nhiều người biết đến. Vụ mận năm nay đúng lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng huyện Mộc Châu đã có phương án, kịch bản tiêu thụ, chế biến sản phẩm, bảo đảm đầu ra cho cây mận.
Ông Trương Hoa Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho biết: Ngay từ đầu vụ, huyện đẩy mạnh hướng dẫn bà con sản xuất mận theo hướng an toàn, hữu cơ, tạo dựng thương hiệu mận Mộc Châu. Thành lập các tổ công tác để nắm bắt thông tin và đề xuất hỗ trợ tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm; kết nối tiêu thụ vào siêu thị, hệ thống bán lẻ cho các loại cây ăn quả nói chung, đặc biệt là quả mận nhằm quảng bá sản phẩm và đẩy mạnh tiêu thụ. Khuyến kích các doanh nghiệp, cơ sở đẩy mạnh chế biến gia tăng giá trị các sản phẩm từ quả mận, như: Mận sấy, ô mai mận, siro mận, rượu mận...
Những người dân trồng mận cũng ý thức được việc nâng cao chất lượng sản phẩm mận, đầu tư chăm sóc theo quy trình nông nghiệp tốt để giữ chân những mối hàng. Nhờ đó, mặc dù trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, giá mận ở nhiều nơi giảm thì mận Mộc Châu chiếm ưu thế bằng chất lượng quả to, đều, đẹp và kết nối các kênh tiệu thụ nên một số nơi vẫn bán được giá từ 20-35 nghìn đồng/kg.
Có mặt tại tiểu khu Bản Ôn, thị trấn nông trường Mộc Châu, các hộ đang khẩn trương thu hái mận để kịp đơn hàng bán cho thương lái. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn mận của các hộ trong tiểu khu, ông Nguyễn Đình Phong, Tiểu khu trưởng, cho biết: Tất cả 320 hộ ở tiểu khu đều trồng mận với gần 200 ha. Do người dân ý thức trong việc chăm sóc, nâng cao chất lượng quả mận, nên thương lái nhiều nơi đến thu mua mận thành mối quen từ nhiều năm.
Dừng chân tại vườn của gia đình chị Quàng Thị Nhuận với hơn 2 ha mận hậu, quả to, đều và đẹp. Chị Nhuận chia sẻ: Chúng tôi thực hiện tỉa cành, tạo tán, sử dụng phân hữu cơ, đầu tư hệ thống phun nước bán tự động cung cấp đủ nước cho cây mận trong quá trình ra hoa, đậu quả, nuôi dưỡng quả. Mận của gia đình tôi luôn có mẫu mã đẹp, chất lượng ngon, giòn năm nào cũng tiêu thụ hết với giá bán khoảng 20-35 nghìn đồng/kg, vụ mận năm nay dự kiến cho gia đình thu nhập trên 500 triệu đồng.
Tiếp tục đến với xã Tập Lập, chúng tôi ấn tượng bởi những vườn mận được đầu tư căng lưới chống mưa đá. Do bị thiệt hại nặng nề bởi mưa đá, gió lốc nhiều năm trước, nên nhiều gia đình đã đầu tư căng lưới chống mưa đá. Anh Nguyễn Anh Quân, ở tiểu khu 12, cho hay: Gia đình tôi có 4.000 m² mận hậu, năm 2020 gần như mất trắng bởi mưa đá. Vụ mận năm nay, tôi đầu tư gần 50 triệu đồng để làm lưới chống mưa đá và hệ thống tưới nước tự động cho vườn mận kết hợp với chăm sóc đúng kỹ thuật nên mận mẫu mã đẹp, bán được giá.
Cùng với sự chung tay hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc kết nối tiêu thụ nông sản, việc thay đổi tư duy, tích cực đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng, xây dựng thương hiệu, giữ vững mối hàng sẽ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân Cao nguyên Mộc Châu có nguồn thu nhập ổn định hơn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!