Vùng cây ăn quả của huyện Mai Sơn có đến hàng nghìn ha, được trồng tập trung, cho sản lượng lớn như: nhãn, xoài, bưởi, cam, na - trở thành vùng cây ăn quả chất lượng cao của tỉnh. Để phát triển ổn định, bền vững, việc cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản được xem là “chìa khóa” về chất lượng, uy tín, thúc đẩy xuất khẩu nông sản địa phương.
HTX Nà Cang, xã Hát Lót đăng ký cấp mã số trồng xoài xuất khẩu năm 2021.
Trên địa bàn huyện Mai Sơn hiện đã được cấp 40 mã số vùng trồng xuất khẩu với gần 1.150 ha nhãn, xoài, thanh long sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc... Từ đầu năm đến nay, huyện Mai Sơn đã tập trung hướng dẫn các HTX đăng ký, rà soát và hỗ trợ thực hiện các thủ tục cấp mã số vùng trồng xuất khẩu mới. Đến nay, đã cấp mới được 1 mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu cho HTX Đoàn Kết, Thôn 7, xã Chiềng Mung. Ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc HTX, chia sẻ: HTX đã xây dựng kế hoạch, vận động các thành viên chấp hành tốt các quy trình sản xuất, đảm bảo yêu cầu của thị trường xuất khẩu đang hướng tới; đồng thời đề xuất, đăng ký cấp mã thêm số vùng trồng cho HTX.
Năm 2021, HTX Đoàn Kết là HTX đầu tiên toàn huyện được cấp mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu, nâng tổng số lên 4 mã số vùng trồng xoài và nhãn xuất khẩu đã cấp cho HTX, với hơn 90 ha, trong đó 6 ha xoài được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu Mỹ, Úc; 85 ha nhãn xuất khẩu thị trường Trung Quốc. Các thành viên HTX đang tập trung chăm sóc đảm bảo các quy trình sản xuất an toàn, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm theo yêu cầu thị trường.
HTX Nà Cang, xã Hát Lót đăng ký cấp mã số vùng trồng xuất khẩu xoài sang thị trường Trung Quốc năm nay. Ông Nguyễn Chí Ngọc, Phó Giám đốc HTX, cho biết: Thành lập từ năm 2018, ban đầu HTX có 9 thành viên, với 15 ha trồng xoài, bưởi và bơ. Chúng tôi định hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, HTX đã phát triển lên 13 thành viên, tổng diện tích 19 ha, trong đó, 15 ha xoài. HTX đã đầu tư hệ thống tưới tự động cho 10 ha trồng cây ăn quả, 10 ha trồng xoài đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Chúng tôi đang tập trung chăm sóc xoài theo các tiêu chuẩn Trung Quốc đưa ra để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thay vì đường tiểu ngạch qua các thương lái như các năm trước.
Bà Bùi Thị Định, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thông tin: Ngay từ đầu năm, Phòng đã bắm sát các thông tin về xuất khẩu, thông qua nhóm zalo để tuyên truyền, cập nhật các tiêu chuẩn cơ sở xuất khẩu, hướng dẫn các HTX, thành viên HTX đăng ký xây dựng mã số vùng trồng mới, chủ động thực hiện các tiêu chuẩn cơ sở theo yêu cầu thị trường xuất khẩu, hướng đến sản xuất theo nhu cầu và yêu cầu của từng thị trường. Năm nay, một số tiêu chuẩn cơ sở đối với thị trường nhập khẩu có những thay đổi, đặc biệt thị trường Trung Quốc.
Năm 2021, huyện đã đăng ký, xây dựng thêm 8 mã số vùng trồng xuất khẩu. Hiện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai rà soát, kiểm tra, đánh giá đối với các diện tích đã được cấp mã số vùng trồng và diện tích đang đề xuất cấp mã số vùng trồng để điều chỉnh thu hồi mã số vùng trồng đối với những diện tích không đủ điều kiện và xây dựng các mã số vùng trồng mới, đảm bảo kế hoạch xuất khẩu nông sản năm 2021.
Bên cạnh hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu, hằng năm huyện còn hỗ trợ tem, nhãn, bào bì... cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn. Tuy nhiên, việc mở rộng vùng trồng xuất khẩu đang đứng trước những khó khăn, thách thức khi các thị trường nhập khẩu đang thắt chặt những tiêu chuẩn cơ sở đối với vùng sản xuất, như: Yêu cầu vùng trồng cây ăn quả tối thiểu từ 10 ha trở lên, không sử dụng các hoạt chất cấm theo yêu cầu của nước nhập khẩu, quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu, sử dụng nhật ký ghi chép sản xuất... Trong khi đó, một số mã số vùng trồng cấp trước đó không đáp ứng được yêu cầu về diện tích liền khoảnh hiện nay; tỷ lệ hộ sản xuất tham gia vào HTX còn hạn chế, chủ yếu các hộ vẫn bán cho thương lái và sản phẩm có mã số vùng trồng chưa được quan tâm đúng mức đang là rào cản cho việc mở rộng vùng trồng xuất khẩu; diện tích trồng cây ăn quả đã được cấp mã số vùng trồng vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng diện tích trồng cây ăn quả của địa phương.
Cùng với việc phát triển, mở rộng vùng trồng xuất khẩu, huyện Mai Sơn thực hiện các chính sách khuyến khích HTX, doanh nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản bền vững, hiệu quả.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!