Sơn La hiện có số lượng và quy mô doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics (dịch vụ hậu cầu) còn hạn chế; chưa có các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ logistics chuyên nghiệp theo chuỗi liên hoàn, khép kín từ khâu đóng gói, vận chuyển, tập kết, bốc dỡ hàng hóa, làm thủ tục thông quan, lưu kho... nên hàng nông sản tươi số lượng lớn của tỉnh đa số phải thuê các doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp từ các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh.
Khởi hành xuất khẩu lô hàng sản phẩm xoài sang thị trường các nước.
Ảnh: PV
Toàn tỉnh đang có khoảng 80.000 ha cây ăn quả và cây sơn tra, sản lượng quả ước đạt 450.000 tấn. Một số vùng nguyên liệu nông sản của Sơn La đứng trong tốp đầu cả nước, như: nhãn trên 80.000 tấn, xoài gần 44.000 tấn, chè đạt 9.500 tấn chè xanh... Năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã tác động mạnh tới hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo khu vực hoặc toàn tỉnh, khiến sức mua các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như: xoài, mận giảm mạnh. Đồng thời, Trung Quốc nâng mức độ phòng chống dịch bệnh COVID-19 lên cấp độ 1; tăng cường công tác kiểm dịch thực vật đối với các nông sản nhập khẩu dẫn tới hoạt động xuất khẩu hoa quả của tỉnh gặp nhiều khó khăn.
Để hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, bên cạnh việc đẩy mạnh bán hàng trên kênh thương mại điện tử, ngành dịch vụ hậu cầu đang được tỉnh ta chú trọng triển khai nhằm giảm thiểu các chi phí vận hành, giá cước. Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, thông tin: Tỉnh ta đã ban hành Kế hoạch số 172/KH-UBND ngày 19/7/2019 về nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ logistics trên địa bàn. Trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu nâng cấp hạ tầng, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp logistics khảo sát, đầu tư, phát triển dịch vụ logistics tại thị trường Sơn La.
Riêng với các chính sách thu hút đầu tư các kho bảo quản nông sản, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND ngày 28/02/2020 trong đó quy định các HTX đầu tư cơ sở bảo quản rau, hoa quả tươi, chè, cà phê đạt 500 tấn/kho (sấy, chiếu xạ, khử trùng, đông lạnh, kho lạnh, bảo quản sinh học) sẽ được hỗ trợ kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, xử lý nước thải, nhà xưởng và mua thiết bị. Mức hỗ trợ tối đa 70% chi phí đầu tư và không quá 1 tỷ đồng/dự án.
Thành lập năm 2017, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, bản C5, xã Chiềng Khoong (Sông Mã) có 56 ha cây ăn quả các loại, trong đó 36 ha nhãn, năng suất bình quân 15 tấn quả tươi/ha, sản lượng đạt trên 540 tấn/năm. Năm 2018, HTX đã đầu tư lò hơi ép nhiệt kín thay lò than để sấy long nhãn, với sản lượng 20 tấn long nhãn. Bà Phạm Thùy Trang, Giám đốc HTX, chia sẻ: Năm 2019, sản phẩm long nhãn của HTX Bảo Minh được chứng nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao, được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc và các doanh nghiệp BigC Thăng Long, VinMax đưa ra thị trường tiêu thụ, người tiêu dùng đón nhận. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, tôi mong muốn sớm được hỗ trợ đầu tư xây dựng kho lạnh bảo quản nông sản.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, thông tin: Huyện có 5 HTX đầu tư kho bảo quản long nhãn và 15 cơ sở đảm bảo các điều kiện đóng gói quả tươi xuất khẩu; khoảng 650 cơ sở, hộ gia đình chế biến long nhãn tại 18 xã và thị trấn với sản lượng long nhãn hàng năm đạt 3.000 tấn. Để hỗ trợ, nâng cao chất lượng nông sản, huyện đề nghị tỉnh sớm phê duyệt các HTX đủ điều kiện được hỗ trợ xây dựng nhà sơ chế, kho lạnh bảo quản nông sản, nâng cao chất lượng hàng nông sản.
Để nâng cao chất lượng nông sản, hướng đến xuất khẩu, các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh phát triển đồng bộ các dịch vụ logistics, trọng tâm hỗ trợ các cơ sở sơ chế, đóng gói, bảo quản nông sản với hệ thống kho lạnh, mát; tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt là tuyến cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu, các tuyến đường đến trung tâm xã, các đường vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đường nội bộ các khu sản xuất nông nghiệp để giảm chí phí và tạo điều kiện dễ dàng cho lưu thông hàng hóa nông sản...
Người dân xã Chiềng Ngần (Thành phố) đóng gói xoài theo quy trình xuất khẩu cho Công ty TNHH Phương Mai (Bắc Giang).
Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh thu hút đầu tư, hoàn thành đi vào hoạt động ít nhất 5 nhà máy chế biến nông sản quy mô công nghiệp; mỗi huyện/thành phố có ít nhất 1 cơ sở sơ chế, đóng gói, bảo quản nông sản có quy mô công nghiệp phù hợp với vùng nguyên liệu đạt chuẩn logistics. Nâng cấp, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị đối với trên 50% các cơ sở chế biến hiện có, góp phần đưa giá trị sản phẩm nông sản chế biến tham gia xuất khẩu đạt 166 triệu USD, tăng 78% so với năm 2020.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!