Liên kết tạo chuỗi cung cầu bền vững

Những năm qua, tỉnh Sơn La luôn quan tâm hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ các hộ nông dân thành lập các HTX liên hiệp các hợp tác xã, kết nối với các doanh nghiệp tạo thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, đảm bảo đầu ra sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

                                 

HTX Quỳnh Nghĩa, xã Chiềng Sung (Mai Sơn) liên kết với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao trồng và tiêu thụ sản phẩm chanh leo.

           

Liên kết sản xuất với HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng (Mai Sơn), các hộ dân trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn các huyện: Mai Sơn, Thuận Châu, Sông Mã... không còn lo chuyện đầu ra cho sản phẩm. Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng, cho biết: HTX đang liên kết với 215 hộ trên địa bàn tỉnh trồng 212 ha thanh long ruột đỏ. Chúng tôi đã phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc thanh long theo hướng hữu cơ cho người dân. Đồng thời, ký hợp đồng tiêu thụ toàn bộ sản phẩm. Tính từ đầu vụ đến nay, HTX đã tiêu thụ hơn 1.000 tấn thanh long tại hệ thống siêu thị, chợ đầu mối của Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh.

           

Chị Hoàng Thị Thảo, bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha (Thuận Châu), chia sẻ: Từ năm 2018, gia đình tôi tham gia liên kết với HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng trồng gần 1 ha thanh long ruột đỏ. Chúng tôi được hỗ trợ về giống, phân bón và được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất an toàn để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Năm nay, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng vẫn ký hợp đồng thu mua loại 1 với giá 16.000 đồng/kg, loại 2 từ 8.000-12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi ha thanh long cho thu từ 180-220 triệu đồng, đầu ra lại ổn định, nên gia đình tôi rất yên tâm sản xuất.

           

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 22.000 hộ, gần 100 HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, như: Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc; Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; Công ty TNHH IC Food Sơn La; Công ty cổ phần Bông và Ứng dụng công nghệ cao, cùng hàng chục doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè... Hình thành 197 chuỗi nông sản, thủy sản an toàn chuyên tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Hà Nội, các tỉnh lân cận trong hệ thống siêu thị, cửa hàng nông sản an toàn và xuất khẩu sang thị trường Trung quốc, Mỹ, Úc...

           

Nếu như trước đây, muốn thu mua sản phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp phải ký kết với từng hộ dân, việc ký hợp đồng với cả ngàn hộ dân nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn, mất thời gian cho công tác quản lý. Còn khi tham gia hộ dân chuỗi liên kết hoặc tham gia thành viên HTX, các hộ dân được hướng dẫn tổ chức sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào, thực hiện các dịch vụ sản xuất nông nghiệp và ký kết hợp đồng tiêu thụ.

           

Mô hình liên kết trồng thanh long ruột đỏ của HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng (Mai Sơn).

Ảnh: PV

           

Bên cạnh đó, những khi khó khăn, dịch bệnh, HTX sẽ đầu mối đồng hành cùng với các hộ dân. Vì vậy, mối liên kết giữa các hộ dân với HTX, HTX với doanh nghiệp đã tạo ra bước đột phá quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng và ổn định vùng nguyên liệu lớn. Các HTX và các hộ dân cũng đã chú trọng đến hình thức liên kết chuỗi giá trị do doanh nghiệp đầu tư vốn, phân bón, giống, công nghệ, kỹ thuật sản xuất và thu mua sản phẩm cho người dân. 

           

Ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, thông tin: Để phát triển các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến, khích và hỗ trợ cho các HTX về vốn, kỹ thuật sản xuất, tập huấn nâng cao năng lực hoạt động, hỗ trợ máy móc, thiết bị tem mác, bao bì sản phẩm, tạo điều kiện cho các HTX tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, không ít HTX hoạt động hình thức, kém hiệu quả, liên kết chưa chặt chẽ. Liên minh HTX tỉnh sẽ thường xuyên giám sát, nắm bắt tình hình hoạt động của các HTX để có hướng tư vấn, giúp đỡ kịp thời, đảm bảo HTX hoạt động đúng luật, hiệu quả tránh tình trạng hình thức, số lượng mà không quan tâm chất lượng. Phối hợp với các ngành, các địa phương tăng cường liên doanh, liên kết, thu hút đầu tư để liên kết tiêu thụ sản phẩm của các HTX.

           

Liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông sản là hướng phát triển bền vững, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, phát huy thương hiệu nông sản địa phương. Rất cần các cấp, các ngành tăng cường hỗ trợ các HTX về kiến thức quản lý, cũng như kêu gọi các doanh nghiệp liên kết cùng với các HTX, hộ nông dân để tổ chức sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Các HTX cần liên kết chặt chẽ với thành viên, giám sát quy trình sản xuất để tạo sản phẩm chất lượng; chủ động, tích cực tìm kiếm đối tác để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới