Tháng 4/2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 4,45 tỷ USD đưa giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm đạt khoảng 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với 4 tháng năm 2020.
Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm đạt 17,15 tỷ USD. |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 4/2021 ước đạt 4,45 tỷ USD, tăng 29,1% so với tháng 4/2020 nhưng giảm 13,3% so với tháng 3/2021. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 1,53 tỷ USD, lâm sản chính ước đạt 1,29 tỷ USD, thủy sản đạt 650 triệu USD và chăn nuôi đạt 36 triệu USD.
Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với 4 tháng năm 2020. Cụ thể, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 5,9 tỷ USD; lâm sản chính đạt 5,33 tỷ USD; thủy sản ước đạt 2,39 tỷ USD; chăn nuôi ước đạt 125 triệu USD.
Trong 4 tháng đầu năm, nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm: Cao su (tăng 111,6%), chè (tăng 7,9%), nhóm hàng rau quả (tăng 9,5%), sắn và sản phẩm từ sắn (tăng 23,9%), sản phẩm chăn nuôi (tăng 37,4%)…Trong khi đó, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm, như: Cà phê (giảm 11,6%); hạt điều (giảm 7,8%).
Về thị trường xuất khẩu, ước giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm 46,9% thị phần), châu Mỹ (27,6%), châu Âu (10%), châu Đại Dương (1,4%) và châu Phi (1,4%). Trong đó, 4 thị trường xuất khẩu chính gồm: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo Bộ NN&PTNT, trong quý II/2021, toàn ngành phấn đấu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 9,7 tỷ USD. Và để đạt được mục tiêu này, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới và trong nước, toàn ngành nỗ lực thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”. Trong đó, về hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước, tiếp tục theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương trong nước, đặc biệt là các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19. Theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ.
Đặc biệt, đối với hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu, cần chuẩn bị tổ chức hội thảo trao đổi các quy định về hạn ngạch đối với các mặt hàng nông sản thực thi Hiệp định EVFTA và UKVFTA; chuẩn bị tổ chức Hội thảo trao đổi phổ biến thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam-Trung Quốc (dự kiến vào tháng 6/2021). Đồng thời, xây dựng, in ấn sổ tay phổ biến, hướng dẫn các quy định thị trường, rào cản kỹ thuật trong thương mại nông sản, định hướng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tại các thị trường trọng điểm./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!