Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Sơn La tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Khu căn cứ cách mạng Lao Khô – Biểu tượng quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào”. Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Thiếu tướng, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam; Mai Thu Hương, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy.
Dự Hội thảo có đại diện Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Quân khu 2; các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên huấn tỉnh Hủa Phăn; đại diện Thường trực huyện ủy, Ban Tuyên huấn các huyện: Sốp Bâu, Xiềng Khọ, Mường Ét của nước CHDCND Lào; lãnh đạo các ban, ngành và các huyện biên giới của tỉnh Sơn La; lãnh đạo Đảng ủy xã Phiêng Khoài và ông Tráng Lao Lử, đại diện cho đồng bào bản Lao Khô.
Đồng chí Nguyễn Đắc Quỳnh phát biểu khai mạc Hội thảo.
Ông Tráng Lao Lử, đại diện cho nhân dân bản Lao Khô phát biểu tham luận tại Hội thảo.
Cách đây hơn 70 năm, vào ngày 20 tháng 5 năm 1948, Ban xung phong Lào Bắc được Bộ Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam ra chỉ thị thành lập. Ban Xung phong Lào Bắc do đồng chí Caysone Phomvihan (người sau này là Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Thủ tướng, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) làm Trưởng ban, được giao nhiệm vụ gây cơ sở vùng sau lưng địch, phát động phong trào du kích để thành lập căn cứ địa kháng chiến chống thực dân Pháp, đào tạo cán bộ địa phương. Ban Xung phong Lào Bắc đã chọn bản Phiêng Sa, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La làm nơi đứng chân chuẩn bị mọi điều kiện cho thực hiện nhiệm vụ. Từ mảnh đất này, Đội xung phong Lào Bắc từng bước tiến sâu vào nội địa Lào, gây dựng cơ sở, phát triển lực lượng góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân các bộ tộc Lào phát triển. Bản Phiêng Sa, xã Chiềng On, nay là bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu trở thành địa danh lưu nhiều dấu ấn về liên minh đoàn kết chiến đấu Việt - Lào, một biểu tượng về mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam - Lào.
Với nội dung phong phú, chất lượng khoa học cao, những ý kiến của các đại biểu, nhân chứng lịch sử, những tham luận của các nhà khoa học tại Hội thảo đã đề cao tầm vóc, giá trị lịch sử của Khu căn cứ cách mạng Lao Khô; làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề và nội dung quan trọng, trong đó có nhiều khía cạnh mới, đặc sắc của Đảng về xây dựng, củng cố mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam; tình đoàn kết keo sơn gắn bó giữa hai dân tộc; từ đó rút ra những kinh nghiệm nhằm củng cố hơn nữa mối quan hệ hữu nghị đặc biệt của hai nước Việt - Lào nói chung, của nhân dân Sơn La với các tỉnh của nước CHDCND Lào có chung đường biên giới nói riêng. Hội thảo còn đề xuất các giải pháp về công tác quản lý nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, tiềm năng du lịch của Khu căn cứ cách mạng Lao Khô trong thời kỳ mới.
Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo khoa học.
Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Đắc Quỳnh bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến đại biểu các cơ quan Trung ương, các ban, ngành địa phương trong tỉnh và các tỉnh nước bạn Lào, các nhà khoa học, nhân chứng lịch sử đã góp phần làm rõ và đầy đủ hơn giá trị lịch sử - văn hóa của Khu căn cứ cách mạng Lao Khô. Đồng chí nhấn mạnh: Hội thảo được tổ chức rất có ý nghĩa, là dịp để ôn lại truyền thống đoàn kết, đấu tranh anh dũng của Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mà Khu căn cứ cách mạng Lao Khô là một trong những dấu ấn quan trọng, trở thành biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt của hai Đảng, nhân dân hai nước; tôn vinh, tri ân các thế hệ cha anh đã chiến đấu anh dũng, hy sinh vì hòa bình, độc lập, tự do của mỗi nước. Từ kết quả của Hội thảo lần này, Ban tổ chức sẽ bổ sung thêm nhiều tư liệu quý báu vào hồ sơ về Khu căn cứ cách mạng Lao Khô. Đồng thời, đưa kết quả nghiên cứu vào công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống, phát huy giá trị di tích trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần củng cố thêm mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!