Sau hơn 20 năm trồng tại Sơn La, đến nay toàn tỉnh có gần 450 ha cây mắc trồng tại các địa phương chủ yếu dưới dạng mô hình nông, lâm nghiệp. Theo đánh giá, cây mắc ca khá phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai tại một số địa phương của tỉnh, phát triển tương đối tốt, một số diện tích mắc ca đã ra quả, cho thu hoạch.
Mô hình trồng cây mắc ca tại xã Phổng Lái (Thuận Châu).
Thăm mô hình cây mắc ca trồng xen cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Văn Dực, bản 428, xã Hát Lót (Mai Sơn), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi 500 cây mắc ca chiều cao từ 4-5m, trồng xen nhãn, xoài xanh tốt ngút tầm mắt, quả trĩu cành. Ông Dực cho biết: Gia đình tôi trồng cây mắc ca từ năm 2014, đến năm 2018, cây bắt đầu bói quả. Chi phí đầu tư trồng 1 ha cây mắc ca đến khi thu hoạch khoảng 4 năm đối với cây ghép hết khoảng 200 triệu đồng. Năm nay, toàn bộ cây mắc ca đã ra quả, năng suất 10 kg/cây, được Công ty TNHH MTV Đạt Thủy (Mai Sơn) cam kết thu mua với giá 70.000 đồng/kg quả đã xát vỏ nên gia đình tôi rất yên tâm. Trong bản, hiện có 5 hộ dân trồng mắc ca với khoảng 1.000 cây.
Giai đoạn 2018-2020, tỉnh ta đã thu hút 3 doanh nghiệp đầu tư trồng cây mắc ca theo hướng phát triển bền vững. Hiện, có 2 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Liên Việt Sơn La và Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Mường Và đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, trồng mới trên 153 ha mắc ca tại huyện Sốp Cộp và Quỳnh Nhai.
Sau nhiều lần lên Sơn La khảo sát, đánh giá mô hình trồng cây mắc ca, giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, thông tin: Mắc ca là cây có khả năng chịu được sương muối, chịu hạn, ít sâu bệnh. Do đó, có thể phát triển cây mắc ca theo nhiều hình thức trồng thuần loài hoặc trồng xen. Sau 5 năm trồng, mắc ca sẽ cho thu hoạch; năng suất quả tươi khoảng 8 tấn/ha/năm, Mắc ca là cây trồng có vòng đời khai thác trên 100 năm, có thể phát triển thành cây trồng rừng và trồng che bóng cho một số loại cây khác.
Ông Dương Văn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đạt Thủy, cho biết: Công ty thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật đến từng vườn để hướng dẫn nông dân về quy trình sản xuất sạch và đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm. Hiện, sản phẩm của Công ty có hạt mắc ca nguyên vỏ tách nứt, nhân mắc ca, rượu mắc ca và dầu ăn mắc ca. Sản phẩm đã được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và được bày bán tại các cửa hàng thực phẩm sạch, hệ thống chuỗi siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội và các đại lý phân phối trên địa bàn thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn và Mộc Châu. Năm 2020, Công ty xuất ra thị trường 12 tấn hạt mắc ca thành phẩm, doanh thu đạt 3,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 lao động địa phương theo thời vụ. Bên cạnh đó, năm 2018, Công ty đã trồng 52,8 ha mắc ca tại xã Mường Chiên, Chiềng Khay (Quỳnh Nhai).
Sau hơn 20 năm bén rễ trên đất Sơn La, cây mắc ca đã khẳng định được tính ưu việt hơn so với một số loại cây trồng khác. Chính vì vậy, ngày 7/5/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 253 về chủ trương phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, với quan điểm phát triển cây mắc ca cần phải được tiến hành thận trọng, bài bản, có lộ trình, dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học và đánh giá thực tiễn. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển cây mắc ca, phấn đấu giai đoạn 2021-2025, diện tích mắc ca của tỉnh đạt trên 5.000 ha, đến năm 2030 đạt khoảng 10.000 ha. Đến năm 2025, tỉnh có 1 nhà máy chế biến hạt mắc ca với quy mô, công suất đáp ứng nhu cầu chế biến mắc ca của tỉnh.
Đồng thời, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác hỗ trợ phát triển cây mắc ca; chủ trương đầu tư là Nhà nước cho nhà đầu tư thuê đất để thực hiện các dự án trồng cây mắc ca theo quy định của pháp luật. Tổ chức liên kết thành lập các HTX hợp tác với nhà đầu tư hỗ trợ, cung cấp cây giống, vật tư thiết yếu, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm... Với mong muốn đồng hành cùng nông dân Sơn La trong việc mở rộng diện tích cây mắc ca, vừa qua Hiệp hội mắc ca Việt Nam đã tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến quả mắc ca, khảo sát tại các địa phương; Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt đã giới thiệu và tư vấn các sản phẩm tín dụng mắc ca và hướng dẫn người dân các thủ tục vay vốn... Đây là cơ hội để các địa phương trong tỉnh từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng và là điều kiện để người dân nhân rộng mô hình trồng cây mắc ca nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Mở rộng đầu tư phát triển hình thành vùng chuyên canh cây mắc ca gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục được kỳ vọng là giải pháp góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững của tỉnh Sơn La.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!