FTA - Cánh cửa rộng mở cho nông sản xuất ngoại

Năm 2021, tỉnh Sơn La đã hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối, xúc tiến thương mại giới thiệu 17 sản phẩm nông sản sang thị trường 21 nước, tăng 5 nước so với năm 2020 và vùng lãnh thổ. Một số nông sản hỗ trợ kết nối và tiêu thụ sang thị trường tiềm năng, như: Sản phẩm xoài sang thị trường Nga, Ả Rập, Mông Cổ; nhãn sang thị trường Ba Lan, Hà Lan, Anh; mận sang thị trường Singapore, Malaysia.

Kiểm tra chất lượng cam trước khi đưa vào chế biến tại Nhà máy Chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ.     

Ảnh: Minh Thu

             

Có thể nói, những FTA thế hệ mới như: Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh - Bắc Ai Len (UKVFTA) và gần đây là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) (Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) có quy mô lớn nhất thế giới giữa ASEAN và 5 nước đối tác)... có hiệu lực đã mang lại những cơ hội rất lớn đối với mặt hàng nông sản Sơn La.

             

Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Khi các thị trường lớn, như: Canada, Australia, Nhật Bản, EU... giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng nông sản của Việt Nam đã tạo ra những tác động tích cực. Doanh nghiệp khi xuất khẩu nông sản sang thị trường các nước thành viên của các FTA sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc một vài thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc.

             

Tận dụng tốt cơ hội FTA mang lại, tỉnh Sơn La đã chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, từ sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; đẩy mạnh xúc tiến thương mại với những hoạt động chính, như: Tăng cường phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh... cập nhật, dự báo và cung cấp thông tin về thị trường, các FTA đã được ký kết và có hiệu lực, để doanh nghiệp, HTX điều chỉnh sản xuất, kinh doanh phù hợp.

             

Đồng thời, tăng cường việc quản lý Nhà nước về chất lượng nông lâm sản và thủy sản; duy trì, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn; kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp theo quy định; rà soát, đánh giá tình hình sản xuất các loại nông sản chính tại các huyện, thành phố. Kết quả, năm 2021, tổng giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu ước đạt 161,2 triệu USD. Các sản phẩm có sản lượng cao, gồm: Xoài 14.308 tấn; nhãn trên 3.900 tấn; chuối 6.590 tấn; chè 11.300 tấn; cà phê 29.000 tấn; 68.500 tấn sắn lát và tinh bột sắn.

             

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng sản lượng nông sản xuất khẩu vẫn tăng là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ các sản phẩm nông sản Sơn La đã và đang dần chiếm vị thế và được người tiêu dùng trên thế giới biết đến và đón nhận. Hiện, toàn tỉnh có khoảng 82.805 ha cây ăn quả, cây sơn tra, sản lượng niên vụ 2021, đạt trên 448.000 tấn, tăng 16,6% so với năm 2020; có 5.040 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương; trên 16.540 ha cà phê áp dụng 4C, UTZ; cấp 220 mã số vùng trồng, với diện tích trên 4.847 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; có 24 sản phẩm nông sản của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; xây dựng 83 sản phẩm OCOP; duy trì, phát triển 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn.

             

Sản xuất cà phê nhân xuất khẩu của Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La.

             

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trường Mai, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, năm 2021, xuất khẩu chính ngạch mặt hàng sắn lát sang Trung Quốc; xuất khẩu xoài tượng da xanh sang thị trường Úc, Trung Quốc và đang tiếp tục mở rộng thị trường. Bà Nguyễn Bích Ngọc, Giám đốc Công ty, chia sẻ: Doanh nghiệp phải tìm hiểu và nắm chắc các cam kết của Việt Nam và các nước đối tác liên quan đến sản phẩm của mình trên các khía cạnh thuế quan, quy tắc xuất xứ, biện pháp kỹ thuật, biện pháp phòng vệ (chống phá giá, chống trợ cấp). Từ đó, đánh giá được tác động của các cam kết đối với hoạt động kinh doanh của mình để điều chỉnh, thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

             

Ông Vũ Việt Thắng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, chia sẻ thêm: Trước đây sản phẩm cà phê rang xay phải chịu thuế từ 7,5-9%, nhưng khi Hiệp định có hiệu lực, thuế về 0%. Đây là cơ hội tốt để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng cà phê chế biến và nông sản khác sang thị trường các nước tiềm năng, trong đó có thị trường EU. Các FTA có hiệu lực là cơ hội cho doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng, bắt buộc doanh nghiệp phải đổi mới để hội nhập phát triển nếu không muốn bị tụt hậu.

             

Bên cạnh những thuận lợi, bà Đỗ Thị Bích Châu cho rằng: Hiện, hệ thống kho, bến, bãi trên địa bàn tỉnh chưa phát triển, gây khó khăn cho việc tập kết, bảo quản hàng hóa. Doanh nghiệp chủ yếu là vừa, nhỏ và siêu nhỏ; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán; vùng sản xuất tập trung còn ít, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào địa bàn tỉnh; sản phẩm hàng hóa phần lớn được bán ở dạng nguyên liệu, tỷ lệ sản phẩm qua chế biến, chế biến sâu còn thấp; chất lượng, tiêu chuẩn chưa đáp ứng được các rào cản kỹ thuật; hầu hết các sản phẩm chưa có thương hiệu, chưa được bảo hộ sở hữu trí tuệ tại các nước mà Việt Nam đã tham gia FTA.

             

Tận dụng cơ hội mà các FTA mang lại, các doanh nghiệp, HTX sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu nông sản cần chủ động tìm hiểu thông tin về FTA, nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, nhất là các thông tin về các ưu đãi thuế quan đối với những mặt hàng tỉnh ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Các nội dung chính của Hiệp định đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ Công Thương, VCCI. Ngoài ra, các doanh nghiệp, HTX cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Phấn đấu xuất khẩu các mặt hàng nông sản năm 2022 đạt 162 triệu USD, tăng 11,3 triệu USD so với năm 2021.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới