EVFTA - Cơ hội cho nông sản Sơn La

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) mang đến không ít cơ hội đan xen cả thách thức cho nông sản Việt. Làm thế nào để nông sản Sơn La nắm bắt được cơ hội và chinh phục thị trường EU đầy tiềm năng là nhiệm vụ đặt ra đối với cả nhà quản lý và người nông dân.

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy chế biến hoa quả tươi Vân Hồ.

HIỆN nay, toàn tỉnh có 80.500 ha cây ăn quả và cây sơn tra; có hơn 9.780 ha cây trồng áp dụng VietGAP, GlobalGAP; 18 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Trong đó, 1 sản phẩm chè shan tuyết Mộc Châu được cấp văn bằng bảo hộ tại Thái Lan; 2 chỉ dẫn địa lý (chè shan tuyết Mộc Châu, xoài tròn Yên Châu) đã được bảo hộ tại thị trường EU theo Hiệp định EVFTA.

Bên cạnh đó, tỉnh ta đã mời gọi được các doanh nghiệp lớn như: Công ty cổ phần Thực phẩm Đồng Giao, Công ty cổ phần Cánh đồng vàng, Tập đoàn TH, Tập đoàn Nafoods, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vina T&T (thành phố Hồ Chí Minh)... lên nghiên cứu khảo sát và kết nối tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông sản của tỉnh. Năm 2020, toàn tỉnh đã có 16 sản phẩm nông sản xuất khẩu, chủ yếu là: Cà phê, chè, xoài, nhãn, thanh long, tinh bột sắn... sang thị trường 12 nước, với giá trị hàng hóa xuất khẩu năm 2020 đạt 150 triệu USD.

Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Hiệp định EVFTA và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các FTA đã được ký (99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7 -10 năm). Sau khi Hiệp định có hiệu lực thì nông sản và hàng hóa của Sơn La có nhiều điều kiện để tiếp cận các thị trường tiềm năng với dân số đông và thu nhập cao ở thị trường EU và các nước thành viên CPTPP.

Để nâng cao hiểu biết và tạo sự thống nhất về nhận thức cho doanh nghiệp, HTX lĩnh vực nông nghiệp về các FTA, trong đó có EVFTA, CPTPP, Sở Công Thương đã phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị tập huấn công tác hội nhập kinh tế quốc tế để doanh nghiệp, HTX hiểu sâu hơn về những cơ hội, thách thức và lợi ích khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; giải pháp để khai thác và phát triển thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong bối cảnh mới...

Ông Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng (Mai Sơn), cho biết: HTX đã tham gia thị trường xuất khẩu thanh long ruột đỏ được trồng và chăm sóc theo quy trình VietGAP từ năm 2017 sang DuBai, Nhật bản... Tuy nhiên, HTX tiếp tục tìm hiểu để nắm chắc các cam kết của Việt Nam và các nước đối tác liên quan đến trái thanh long trên các khía cạnh: Thuế quan, quy tắc xuất xứ, biện pháp kỹ thuật, biện pháp phòng vệ (chống phá giá, chống trợ cấp). Từ đó, đánh giá được tác động của các cam kết đối với hoạt động kinh doanh của mình cũng như các đối tác, đối thủ cạnh tranh của từng thành viên EU để điều chỉnh, thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Nói về cơ hội của tỉnh Sơn La, ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công thương) cho rằng: Sơn La là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc đã tận dụng tốt cơ hội do Hiệp định quốc tế mang lại khi hàng hóa nông sản của Sơn La đã xuất khẩu sang rất nhiều nước và được đánh giá cao về chất lượng. Thời gian tới, để có thêm nhiều hàng hóa nông sản vào EU, thì các doanh nghiệp, HTX Sơn La cần phải xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tạo niềm tin khi hợp tác với nông dân...

Để hội nhập và phát triển, các doanh nghiệp, HTX cần phải hiểu rõ quy định của Hiệp định EVFTA, tận dụng tối đa cơ hội từ giảm thuế mang lại, ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng chuẩn EU, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ và cập nhật chính sách các mặt hàng, tìm hiểu rào cản về kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa, thủ tục hải quan, chỉ dẫn địa lý, pháp luật thương mại, kinh tế của từng thành viên EU, để tránh rủi ro trong quá trình giao thương hàng hóa. Cùng với đó, tăng cường cung cấp thông tin, dự báo về thương mại, cập nhập các tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước EU để phổ biến cho nông dân. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị hàng hóa xuất khẩu của tỉnh đạt trên 200 triệu USD, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh phát triển, không ngừng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới