Hiện nay, hệ thống cung ứng hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn toàn tỉnh phát triển khá, với 1 trung tâm thương mại, 5 siêu thị, hơn 100 chợ truyền thống, trên 16.000 cửa hàng, cơ sở bán lẻ các loại. Trong đó, nhiều hàng hóa thương hiệu Việt chiếm tỷ lệ từ 85% trở lên và được người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tin tưởng lựa chọn.
Người dân chọn mua hàng may mặc Việt Nam tại Trung tâm thương mại Vincom Plaza.
Đến Trung tâm thương mại Vincom Palaza Sơn La tại thành phố Sơn La, dễ dàng nhận thấy các mặt hàng được bày bán ở đây chủ yếu sản xuất ở Việt Nam, từ thực phẩm, đồ gia dụng, thời trang, đến mặt hàng cao cấp như ô tô, xe máy điện Vinfast và được đông đảo người dân tin tưởng chọn mua. Chị Điêu Thị Niên, tổ 4, phường Quyết Thắng, cho biết: Những năm gần đây, gia đình tôi chủ yếu lựa chọn mua hàng được sản xuất tại Việt Nam, vì bây giờ hàng hóa trong nước đẹp và chất lượng tốt, như hãng Owen, Viettien, Yody... Bên cạnh đó, đồ gia dụng của gia đình cũng chọn mua đồ sản xuất tại Việt Nam, còn các mặt hàng rau quả, gia đình chủ yếu mua sản phẩm do nông dân Sơn La sản xuất.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc siêu thị Vinmart Sơn La, cho biết: Hiện nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại siêu thị chiếm từ 85-90%, nhất là hàng may mặc 100% sản xuất trong nước, được người dân ưa chuộng, lựa chọn mua vì giá thành rẻ, mẫu mã, chất lượng của hàng Việt không kém hàng nhập khẩu. Hiện, mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là thực phẩm như rượu, bia, thịt, phục vụ một số khách hàng có điều kiện.
Tại chợ trung tâm huyện Sốp Cộp, các mặt hàng đồ gia dụng, may mặc, văn phòng phẩm... trước đây phổ biến là hàng sản xuất tại Trung Quốc, nay đã đã được thay thế bằng hàng Việt, như xoong, chậu, đồ nhựa của Song Long, Duy Lợi; quần áo của Viettien, Owen hoặc của các cơ sở sản xuất khác trong nước; văn phòng phẩm của Hòa Phát, Thiên Long, Hải Tiến, Bãi Bằng... Chị Lê Ánh Tuyết, chủ cửa hàng tạp hóa, cho biết: Trước đây, các mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc thường được người dân tìm mua vì hàng giá rẻ. Bây giờ, người tiêu dùng quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm và phải an toàn cho sức khỏe. Cùng với đó, các mặt hàng sản xuất trong nước đã được các công ty, nhà phân phối vận chuyển miễn phí tận nơi, nên rất thuận tiện cho việc nhập hàng và bán với giá rẻ hơn.
Từ thực tế trên cho thấy, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tác động tích cực đối với người tiêu dùng và làm thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt. Bà Giàng Thị Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, chia sẻ: Trong 2 năm qua, Ban Chỉ đạo đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, lồng ghép tuyên truyền với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Nâng niu giá trị nông sản Việt, san sẻ, kết nối vượt qua đại dịch Covid-19”, “Người Sơn La kết nối tiêu thụ nông sản Sơn La”, “Nâng tầm thương hiệu và thúc đẩy tiêu thụ mận hậu, nhãn Sơn La”... Qua đó, tạo thói quen tiêu dùng hàng Việt Nam, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng hóa được sản xuất tại Sơn La và trong nước.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý Nhà nước về các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức các chương trình khuyến mãi dưới nhiều hình thức, như giảm giá, mua hàng tặng quà... Từ năm 2021 đến nay, các sở, ngành đã tiếp nhận và giải quyết 31 hồ sơ đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại và 11.130 hồ sơ thông báo thực hiện chương trình khuyến mại. Tổ chức cho 4.902 cơ sở kinh doanh ký cam kết tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phát 260 tờ rơi tuyên truyền bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm xoài, nhãn Sơn La năm 2021 tới 11 điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh/thành phố trong cả nước. Hỗ trợ nông dân kết nối, tiêu thụ 112 tấn sản phẩm nhãn, 30 tấn cá lăng đen tại huyện Quỳnh Nhai, 555 tấn sản phẩm táo sơn tra...
Bà Giàng Thị Hương cho biết thêm: Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam; lồng ghép với quảng bá, giới thiệu hàng Sơn La; nhân rộng mô hình điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam”; “Tinh hoa hàng Việt Nam”; mở các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc sản Sơn La. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, từng bước xây dựng thương hiệu hàng hóa, thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Sơn La nói riêng, mở rộng mạng lưới đưa hàng Việt về vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!