Năm 2021, việc thực hiện giãn cách xã hội, tạm dừng hoạt động toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, vận tải hành khách, các hoạt động du lịch, ăn uống, vui chơi, giải trí và đóng cửa kinh doanh những mặt hàng không cần thiết, hạn chế tập trung đông người... đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Khi Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, dần phục hồi, phát triển.
Nhà máy chế biến sữa tươi của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu thực hiện hiệu quả mục tiêu “kép”.
Sau gần 6 tháng triển khai thực hiện quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, hiệu quả. Qua đó, doanh thu quý I của nhiều doanh nghiệp đã tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Phù Yên là một trong những huyện chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Ông Đào Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, thông tin: Tính đến 22/3, huyện Phù Yên đã rà soát, chi trả hỗ trợ hơn 8,3 tỷ đồng cho trên 2.000 lao động; giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm cho 57 doanh nghiệp và hỗ trợ 2 doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc cho lao động, với tổng số tiền 760 triệu đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Đến nay, các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn đã trở lại sản xuất, giải quyết việc làm cho trên 3.400 lao động địa phương. Lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch bắt đầu khởi sắc, có khách lưu trú, tham quan. Đây là điều kiện để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, tăng doanh thu thời gian tới.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Văn Dũng, Giám đốc Xí nghiệp giầy Phù Yên 2, Công ty cổ phần Giầy Ngọc Hà, huyện Phù Yên, nói: Điểm tháo gỡ lớn nhất của Nghị quyết 128 là giúp các doanh nghiệp xác định trạng thái hoạt động rõ ràng hơn trong bối cảnh mới. Đến nay, toàn bộ công nhân trong Công ty đã được tiêm phòng vắc xin đầy đủ, Công ty đã trở lại hoạt động bình thường, với 3 xí nghiệp, đã giải quyết việc làm cho 2.900 công nhân là người địa phương. Trong quý I/2022, Công ty sản xuất hơn 400.000 đôi giầy xuất khẩu, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đáp ứng nhu cầu khách hàng, Công ty chuẩn bị tuyển dụng thêm khoảng 300 lao động.
Chi hội Doanh nghiệp huyện Bắc Yên hiện có 30 thành viên; trong đó 80% doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực xây dựng, 20% hoạt động kinh doanh lĩnh vực dịch vụ thương mại. Thực hiện phương án sản xuất kinh doanh thích ứng, linh hoạt đối với hoạt động thương mại, du lịch, các khu nghỉ dưỡng trên điểm săn mây Tà Xùa, Phu Nhi, Hang vợ chồng A Phủ đã mở cửa đón khách trở lại. Tới đây, khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái gắn với mô hình vườn cây ăn quả quanh năm của HTX Bảo Lâm, xã Tà Xùa hoàn thành đi vào hoạt động, sẽ tạo điểm nhấn, thu hút thêm nhiều khách du lịch đến với Bắc Yên.
Ông Đỗ Mạnh Thắng, Chi hội phó Chi hội Doanh nghiệp Bắc Yên, chia sẻ: Với đặc thù 80% doanh nghiệp thành viên của Chi hội hoạt động lĩnh vực xây dựng, chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh Covid-19 do phải kéo dài thời gian thi công các công trình, giá cả vật liệu tăng cao, vì vậy, tôi đánh giá cao việc Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã thành lập tổ tư vấn giá vật liệu phối hợp với Sở Xây dựng tiến hành khảo sát và công bố đơn giá vật liệu xây dựng quý I/2022; đề xuất điều chỉnh đơn giá một số loại vật liệu xây dựng có biến động lớn trên địa bàn tỉnh. Mong rằng, nội dung kiến nghị sớm được các sở, ngành trả lời, tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Trong quý I, tỉnh Sơn La đã thành lập mới 110 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc, nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 3.139 doanh nghiệp. Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực. Theo đánh giá của các doanh nghiệp công nghiệp ngành chế biến, chế tạo, có trên 45% doanh nghiệp triển vọng tốt hơn; trên 29% doanh nghiệp giữ nguyên và chỉ còn 25,8% doanh nghiệp khó khăn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 12,82% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt trên 7.244 tỷ đồng, tăng 10,74%; doanh thu hoạt động dịch vụ ước tính đạt trên 1.855 tỷ đồng, tăng 7,54% so với cùng kỳ... góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh Sơn La quý I năm 2022 đạt trên 4%.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cho biết: Thời gian vừa qua, Hiệp hội đã phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 128 của Chính phủ trên 3 lĩnh vực cơ bản, nhất là định hướng kinh doanh để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện phòng, chống dịch và yêu cầu phát triển sản xuất. Hiệp hội đã làm việc với Huyện ủy, HĐND, UBND, Chi hội Doanh nghiệp các huyện Mai Sơn, Mộc Châu, Vân Hồ, Phù Yên, Bắc Yên, nắm bắt việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh về giãn, giảm thuế; tiền thuê đất, hỗ trợ lãi suất ngân hàng, hỗ trợ người lao động trong doanh nghiệp. Đề xuất các giải pháp tiếp tục cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh trên các lĩnh vực; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công...
Doanh nghiệp Sơn La đang nỗ lực vượt khó, đảm bảo thực hiện mục tiêu “kép”. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền để kịp thời giải quyết những kiến nghị, giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh…
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!