Năm 2021, những công trình, nhà máy, dự án trên địa bàn tỉnh đã và đang được đầu tư xây dựng, hoàn thiện đưa vào hoạt động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập không chỉ cho công nhân mà còn cho hàng vạn nông dân, một nắng hai sương nơi vùng nguyên liệu tập trung. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa cùng các cơ chế, chính sách hấp dẫn đang chào đón các nhà đầu tư trải lòng trên đồng đất Sơn La. Đó cũng là tín hiệu vui, sau một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 21/1/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về định hướng hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, để Sơn La hiện thực hóa mục tiêu phát triển xanh, nhanh, bền vững.
Dấu ấn dự án trăm tỷ
Những ngày đầu xuân, chúng tôi trở lại thăm Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ. Đây là một trong những dự án thu hút đầu tư trọng điểm của tỉnh Sơn La giai đoạn 2016-2020, đúng thời điểm nhà máy đang sản xuất thử nghiệm dây chuyền chế biến cam, công suất 5 tấn quả tươi/giờ. Khác hẳn với sự sôi động của các nhà máy khác, sự nhịp nhàng của một dây truyền công nghệ hiện đại tự động hoá diễn ra khá uyển chuyển. Yếu tố “sạch” được đặt lên hàng đầu, tất cả chúng tôi đều được trang bị bảo hộ, vừa bảo đảm chống dịch covid-19, vừa yêu cầu bảo đảm về vệ sinh trước khi bước vào thăm dây chuyền sản xuất.
Dây chuyền chế biến nhãn của Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ.
Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm sạch Vân Hồ (Tập đoàn TH), thông tin: Năm 2021, Công ty đã lắp ráp hoàn thiện và đưa vào sản xuất thử nghiệm thành công dây chuyền chế biến nhãn, cam cung cấp sản phẩm phục vụ trong hệ thống Tập đoàn TH và mang giới thiệu, chào hàng đối tác. Giai đoạn sản xuất thử nghiệm cam, Công ty đã hợp đồng thu mua cam tươi của HTX nông nghiệp Tiên Phong, HTX nông nghiệp sạch Mộc Châu, HTX nông nghiệp Tiến Thành, HTX nông nghiệp Suối Bàng (Vân Hồ), HTX Ánh Trang (Mai Sơn) và HTX nam Văn Yên (Phù Yên). Sản lượng thu mua khoảng 450 tấn để sản xuất nước cam ép nguyên chất.
Đảm nhận việc vận hành các thiết bị động lực trong nhà máy, anh Mùa A Thu, người bản Co Chàm, xã Lóng Luông (Vân Hồ), phấn khởi: Tôi vào làm việc tại đây được gần 1 năm, môi trường làm việc rất tốt, chế độ lương, thưởng, phụ cấp, ăn ca và phúc lợi xã hội đầy đủ. Với mức lương 8 triệu đồng/tháng, lại được làm việc gần nhà, có thời gian cùng vợ chăm sóc bố, mẹ và nuôi dạy con cái, còn gì hạnh phúc hơn.
Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm sạch Vân Hồ thông tin thêm: Quý I/2022, Công ty tiếp tục đầu tư dây chuyền chế biến các loại hoa quả sấy. Đồng thời, đầu tư phát triển Dự án rau củ quả và dược liệu Sơn La, triển khai cánh đồng mẫu quy mô 1.000 ha; đăng ký đầu tư 1 dự án trong lĩnh vực du lịch tại huyện Vân Hồ, quy mô khoảng 2.000 tỷ đồng.
Để tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, tỉnh Sơn La đã thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác định hướng, nắm bắt tiến độ và kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư trong quá trình hoàn thiện thủ tục hồ sơ đầu tư, triển khai dự án; sắp xếp, kiện toàn và phát huy vai trò của Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh. Đồng thời, chú trọng cải cách thủ tục hành chính; định kỳ gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước, UBND các huyện, thành phố với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh...
Khu đô thị Picenza, thành phố Sơn La.
Ông Lê Hồng Chương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thông tin: Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Sơn La đã cấp mới chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 375 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách Nhà nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư ban đầu 25.790 tỷ đồng, chiếm khoảng 31,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. 152 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, với tổng mức đầu tư 5.613 tỷ đồng. Trong đó, có Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ; Công ty CP Nafoods Tây Bắc; Công ty CP Phúc Sinh Sơn La; Công ty CP Chế biến nông sản BHL; Trung tâm chế biến rau, củ, quả DOVECO Sơn La... Đáng chú ý, cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng tích cực, nguồn vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước có xu hướng chiếm tỷ trọng cao và tăng nhanh qua các năm.
Mở cửa chào đón nhà đầu tư
Sơn La luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, chủ động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện hệ thống các cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Năm 2021, UBND tỉnh đã phê duyệt cấp mới chủ trương và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 28 dự án, với tổng mức đầu tư đăng ký ban đầu khoảng 5.000 tỷ đồng. Riêng tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu nhân năm 2021, tỉnh đã trao chấp thuận chủ trương đầu tư cho 11 dự án, với tổng mức đầu tư đăng ký ban đầu là 6.154 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu hiện có nhà máy chế biến sữa, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi; 1 trung tâm giống và chuyển giao kỹ thuật, tạo việc làm cho hơn 800 lao động; 14 trung tâm thu mua sữa tươi của hơn 500 hộ chăn nuôi. Với mong muốn nâng tầm thương hiệu Mộc Châu Milk, năm 2021, Công ty đã đăng ký và được tỉnh Sơn La cấp giấy chứng nhận chủ trương đầu tư 2 dự án. Trong đó, Dự án “Thiên đường sữa” với tổng vốn ban đầu 800 tỷ đồng, quy mô 4.000 con bò và khu du lịch sinh thái 170 ha.
Cầu kính trong Khu Du lịch Island Mộc Châu, xã Mường Sang (Mộc Châu) đang được thi công.
Ông Phạm Hải Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, nói: Trước thềm xuân mới, thông tin vui là Đồ án thiết kế đã hoàn thiện để trình phê duyệt và triển khai dự án. Dự kiến đến năm 2024, dự án hoàn thành, khi đó ngoài việc nâng tầm thương hiệu Mộc Châu Milk, thì “Thiên đường sữa” góp phần tạo điểm nhấn cho Khu du lịch quốc gia Mộc Châu với những hoạt động trải nghiệm từ trồng trọt tới chăn nuôi, chế biến sữa.
Tiềm năng và chính sách thu hút đầu tư đã và đang để các doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư vào lĩnh vực du lịch, như Khu du lịch Mộc Châu Island tại xã Mường Sang của Công ty cổ phần Du lịch 26 Mộc Châu, quy mô 70 ha, với tổng đầu tư 1.200 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Cầu kính đi bộ ven vách núi; đu cáp treo, khu vui chơi trẻ em, khu lưu niệm, khách sạn nhà hàng vila...
Vùng nguyên liệu dứa DOVECO tại huyện Sốp Cộp.
Ông Lê Hồng Chương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Giai đoạn 2021-2025, Sơn La phấn đấu huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 120.000 tỷ đồng, bình quân 24.000 tỷ đồng/năm. Phấn đấu đến năm 2024, du lịch Mộc Châu trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Đồng thời, xây dựng và hình thành 8 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trở thành trung tâm chế biến nông sản, trung tâm sữa, hoa quả, cây dược liệu, du lịch của vùng Tây Bắc. Thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, phấn đấu tỷ lệ lấp đầy đạt trên 60% tổng diện tích vào năm 2025; triển khai phát triển 8 cụm công nghiệp có vị trí thuận lợi theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp; hình thành các siêu thị tổng hợp từ hạng III trở lên tại mỗi trung tâm huyện; thu hút từ 1-2 dự án đầu tư nước ngoài trong cả giai đoạn.
Mô hình phát triển du lịch trên lòng hồ thủy điện tại huyện Quỳnh Nhai.
Đón xuân Nhâm Dần, hàng loạt dự án đang thi công và chuẩn bị khởi công là con số minh chứng thuyết phục về môi trường đầu tư hấp dẫn của tỉnh Sơn La. Các dự án hoàn thành, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn, tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!