Chuyển đổi mô hình kinh doanh để hội nhập và phát triển

Câu chuyện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hay nông nghiệp kết hợp làm dịch vụ du lịch đã trở thành một xu thế đang được nhiều doanh nghiệp trong tỉnh lựa chọn, để hội nhập và phát triển, góp phần nâng sức cạnh tranh, tăng thị phần và doanh thu, tránh rủi ro trước sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường.

 

Một góc Resort Thảo Nguyên Mộc Châu.

 

Hiện nay, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh có 10 chi hội trực thuộc và 3 tổ chức Hội thành viên (Câu lạc bộ nữ Doanh nhân, Hội Cà phê Sơn La, Hiệp hội Du lịch tỉnh), với tổng số 706 hội viên, gồm 615 doanh nghiệp, 91 HTX. Một điểm chung dễ nhận thấy khi tra cứu trên trang thông tin của Sở Kế hoạch và Đầu tư và Hệ thống quản lý quốc gia đăng ký doanh nghiệp sẽ thấy lĩnh vực đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, HTX rất đa dạng, không còn bó hẹp hoạt động ở một lĩnh vực.

Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển du lịch Quỳnh Nhai, xã Chiềng Ơn, là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh của huyện Quỳnh Nhai. Tiền thân là Công ty TNHH xây dựng và phát triển Trung Kiên Tây Bắc. Khởi đầu với lĩnh vực xây dựng dân dụng làm đường giao thông, thủy lợi... Từ khi Chính phủ bắt đầu thắt chặt đầu tư công, các dự án, đầu tư xây dựng giảm, nhận thấy cần phải thay đổi mô hình kinh doanh, năm 2017, Công ty đã chuyển đổi tên và đăng ký thêm lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng, đón tour du lịch trên lòng hồ sông Đà, kết hợp nuôi cá lồng, nuôi lợn và gà để phục vụ khách du lịch theo chuỗi khép kín.

Ông Phạm Văn Doanh, Giám đốc Công ty cho biết: Sau hơn 3 năm thành lập, hoạt động theo mô hình mới, mặc dù lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch chưa mang lại doanh thu như mong đợi, nhưng tôi tin khi dịch bệnh COVID-19 được đẩy lùi, cộng với chính sách kích cầu du lịch của tỉnh và huyện thì du lịch trải nghiệm lòng hồ sông Đà sẽ được nhiều du khách lựa chọn.

Nắm bắt cơ hội khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2050/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Mộc Châu, huyện Mộc Châu quyết định đầu tư xây dựng khu Resort Thảo Nguyên. Ông Lê Văn Hưu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty, cho biết: Để tạo sự khác biệt mang đến cho du khách những trải nghiệm thân thiện, gần gũi thiên nhiên, năm 2015, Công ty đã đầu tư xây dựng Khu Resort Thảo Nguyên, quy mô hơn 100 phòng và Trung tâm tổ chức sự kiện, quy mô khoảng hơn 1.000 khách. Khu resort có cảnh quan độc đáo được bao quanh bởi không gian cây xanh, các loại hoa, quả cùng lối kiến trúc ấn tượng, hệ thống dịch vụ đạt tiêu chuẩn 4 sao, phong cách phục vụ nhiệt tình, chu đáo. Định hướng đến năm 2025, Công ty sẽ mở rộng khu Resort thêm 100 phòng nghỉ và một trung tâm tổ chức sự kiện, quy mô đón 4.000 khách/ngày.

Còn đối với HTX Hoa Mộc Châu, được thành lập năm 2010, có định hướng ngay từ đầu về lĩnh vực phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch. Những năm qua, HTX chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ gắn với du lịch, thu hút đông đảo người dân, du khách đến thăm quan, trải nghiệm. Nhờ đó, thương hiệu Hoa Mộc Châu đang được nhiều người biết đến. Bà Nguyễn Thị Oanh, Phó Giám đốc HTX thông tin: HTX hiện có 30 thành viên, 8 ha đất sản xuất nông nghiệp trồng dâu tây, hoa lan, hoa cúc và một số loại hoa, quả khác. Tháng 11/2018, HTX đã liên kết với một số doanh nghiệp, HTX trên địa bàn thành lập Công ty cổ phần Best tour Mộc Châu phục vụ các tour du lịch trọn gói chất lượng cao. Hiện, HTX đang hợp tác với trên 100 đơn vị lữ hành. Hằng năm, doanh thu từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, cho thuê tài sản và bất động sản, homestay, dịch vụ ăn uống đạt trên 10 tỷ đồng.

Thực tế việc chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng từ ngành nghề kinh doanh đơn lẻ sang hoạt động đa lĩnh vực, ngành nghề để thích ứng với cơ chế thị trường, tăng sức cạnh tranh và giảm rủi ro, thể hiện tầm nhìn và sự chủ động trong việc đón đầu cơ hội để phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn liên kết để phát triển; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, kinh doanh, khai thác tiềm năng vùng lòng hồ các công trình thủy điện; đầu tư phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu; phát triển khu thương mại, đô thị trên địa bàn các huyện, thành phố có tiềm năng, lợi thế. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp, HTX đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ... theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với nhu cầu thị trường.

 

Một góc khách sạn Trung Kiên, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển du lịch Quỳnh Nhai.

 

Cùng với sự năng động, vượt khó của doanh nghiệp, thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư. Chủ động thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đào tạo, quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ về tín dụng, thuế để giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp cần liên kết hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển, mở rộng thị phần, tăng doanh thu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh nhà.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới