Phổng Lái là xã có diện tích chè lớn nhất huyện Thuận Châu với 750 ha chè. Để đảm bảo chất lượng chè thành phẩm, những người trồng chè nơi đây vẫn sử dụng phương pháp hái tay truyền thống, đây cũng là cơ hội để người lao động địa phương có thêm việc làm, tăng thu nhập với nghề hái chè thuê.
Về xã Phổng Lái trong những ngày hè tháng 7, men theo những con đường bê tông chạy qua các bản Kiến Xương, Thư Vũ, Tiên Hưng, Đông Quan... là những đồi chè trải rộng ngút ngàn, xanh mơn mởn đang bước vào tháng cao điểm thu hái búp. Trên những đồi chè, những người nông dân khoác trên vai chiếc túi to, đôi bàn tay thoăn thoắt, cần mẫn hái những búp chè xanh mướt, tiếng cười nói rộn ràng khắp các nương chè.
Vùng chè Phổng Lái vào mùa thu hoạch.
Theo chân những người lao động đến từ bản Nà Khoang (xã Chiềng Pha) đi thu hoạch chè, cảm giác của chúng tôi đi từ ngạc nhiên đến thích thú khi được tận mắt nhìn những người hái chè thuê với đôi bàn tay rẻo nhanh như múa để lựa bẻ từng đọt chè xanh non, từng kẽ ngón tay kẹp căng đầy những ngọn chè non vừa hái.
Những ngọn chè xanh mơn mởn đang vào mùa thu hái.
Có thâm niên hơn chục năm hái chè, bà Lò Thị Kim, bản Nà Khoang, xã Chiềng Pha chia sẻ: Mùa thu hái chè ở đây kéo dài từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 11 dương lịch, nhưng vụ thu chính rơi vào những tháng hè, thời điểm đó đang nhàn dỗi nên tôi và bà con trong bản rủ nhau đi hái chè thuê để có thêm thu nhập. Cả đồi chè phải được hái cùng lúc để đảm bảo chè không bị già. Kỹ thuật hái bắt buộc phải là 1 tôm 2 lá để chè sau khi sao đạt chất lượng tốt, vừa hái búp còn vừa phải vặt bỏ ngọn chè quá lứa để tạo tán cho luống chè nên chỉ có thể thu hái bằng tay. Trung bình mỗi ngày tôi hái được 50-60 kg chè, thu nhập 100-150 nghìn đồng/ngày.
Đa phần là phụ nữ làm nghề hái chè thuê.
Công việc hái chè đòi hỏi phải khéo léo, dẻo dai, quan sát kỹ thấy, phần đa bà con hái chè bằng tay trần. Xòe hai bàn tay với ngón cái và ngón trỏ nứt nẻ, đen nhẻm, ông Lò Văn Minh, bản Nà Khoang, xã Chiềng Pha bảo: Nhựa chè đấy, sau mỗi buổi hái, ngón tay ít nhất cũng có vài vết đứt chảy máu, nhưng có thêm thu nhập nên ai cũng cố gắng, cần mẫn hái hết đồi này sang đồi khác. Đường về khá xa nên mọi người đều mang cơm theo ăn sáng, ăn trưa tại chỗ, những bữa cơm diễn ra chóng vánh để còn tranh thủ làm tiếp.
Việc chế tạo những túi đựng chè bằng vỏ bao tải vừa chắc chắn, vừa giúp người hái chè di chuyển, thu hái nhanh chóng hơn.
... và thu hái bằng tay nên búp chè hái đều 10 ngọn như một.
Qua tìm hiểu được biết, buổi sáng bắt đầu công việc hái chè từ 5 giờ đến 11 giờ, buổi chiều từ 13 giờ đến 18 giờ. Một ngày, người hái năng suất sẽ được khoảng 60 kg chè tươi, được trả công 2,5 nghìn đồng/kg, tính ra trung bình thu về 150 nghìn đồng/ngày. Công việc vất vả, nhưng với mức thù lao ổn định nên dù mưa hay nắng, bà con đều cần mẫn đi làm để có thêm thu nhập cho gia đình.
Chè sau thu hái được gom vào một bao tải lớn hơn để chuyển về cơ sở chế biến.
Ông Mè Văn Tiền, Chủ tịch UBND xã Phổng Lái, cho hay: Hiện, xã đã được chứng nhận thương hiệu “Chè Phổng Lái Thuận Châu” và phát triển được vùng chè nguyên liệu rộng lớn với 750 ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh 531 ha, không chỉ góp phần tạo nguồn thu cho gần 400 hộ trồng, chế biến, kinh doanh chè mà còn giúp địa phương giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động, trong đó có những người làm nghề thu hái chè cả trong và ngoài địa bàn xã, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống người dân.
Nụ cười hạnh phúc sau ngày làm việc hiệu quả.
Chia tay Phổng Lái, ngắm nhìn những nương chè xanh bát ngát dưới ánh chiều, chúng tôi thấy rõ hiệu quả kinh tế mà cây chè đã và đang mang lại cho người dân nơi đây. Và đằng sau những tấn chè thành phẩm của Phổng Lái đang cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, có sự đóng góp công sức không nhỏ của những người hái chè cần mẫn.
Thủy Ngân - Lò Thái
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!